Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng ở một số địa phương

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận sự tăng giá ở một số địa phương.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, một số loại lúa có sự tăng giá so với tuần trước như: OM 18 từ 6.600 - 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Một số loại vẫn được thương lái thu mua ổn định như: Nàng hoa 9 ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 6.400 - 6.600 đồng/kg. 

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa ở Tiền Giang có sự nhích lên ở một số loại như: OC ở mức 6.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg; riêng Jasmine vẫn ổn định ở mức 7.200 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa có sự tăng giảm tùy loại, như lúa ST là 7.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; còn IR 50404 giảm 100 đồng/kg còn 5.500 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, lúa OM 18 giảm 200 đồng/kg còn 7.100 đồng/kg, còn RVT vẫn giữ ở mức 8.400 đồng/kg so với tuần trước.

Tại một số địa phương, giá lúa vẫn duy trì ổn định. Tại Cần Thơ, giá lúa hầu hết không có sự biến động so với tuần trước, như: IR 50404 ở mức 5.800 đồng/kg; Jasmine là 6.900 đồng/kg; OM 4218 là 6.400 đồng/kg.

Tương tự, tại Sóc Trăng, giá lúa cũng vẫn giữ ổn định như: Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Thu Đông, Mùa ở các tỉnh thành Nam Bộ đã gieo cấy 844.319 ha; trong đó, đã thu hoạch được gần 334.000 ha (chiếm 39,6 % diện tích gieo cấy). Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, các địa phương gieo cấy được 202.323 ha.

Thời gian tới mưa tiếp tục kéo dài và tập trung vào chiều tối sẽ là điều kiện cho các đối tượng bệnh hại lúa phát triển và lây lan gây hại. Do đó, nông dân các tỉnh thành Nam Bộ cần thăm đồng thường xuyên, chú ý bệnh đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn gây hại trên trà lúa đẻ nhánh - trỗ; bệnh đạo ôn cổ bông, đen lép hạt gây hại trên lúa giai đoạn trỗ chín. 

Nông dân cần phát hiện sớm những diện tích lúa nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa.  Khi phát hiện diện tích lúa nhiễm bệnh cần thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam gần như không đổi so với tuần trước, ở mức từ 425 - 430 USD/tấn.

Các thương nhân cho biết, giá gạo trong nước đang tăng do nguồn cung khan hiếm, trong khi các nhà xuất khẩu đang tăng cường thu mua từ nông dân để hoàn thành hợp đồng xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng bán gạo ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ ổn định thì giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất hai tháng trong tuần qua, do nhu cầu giảm và đồng rupee suy yếu, trong khi giá gạo của Thái Lan tăng nhẹ.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới giao dịch ở mức từ 370 - 375 USD/tấn, giảm từ mức từ 375 - 4 USD/tấn của tuần trước, trong bối cảnh đồng rupee lao dốc, làm tăng lợi nhuận của các nhà giao dịch từ việc xuất khẩu.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh cho biết, nhu cầu từ người mua châu Phi đang giảm dần trong bối cảnh nguồn cung từ vụ mùa mới tăng lên.

Tuy nhiên, lượng mưa lớn ở Ấn Độ đã làm hư hại lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất gạo chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh vào đầu tháng này.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 405- 410 USD/tấn, so với mức 405 USD/tấn của tuần trước.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 4/11, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đồng loạt đi lên, dẫn đầu là giá đậu tương.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 1,75 xu Mỹ (0,26%), lên 6,81 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 cũng tăng 7,25 xu Mỹ (0,86%) lên 8,4775 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2023 tăng 25,25 xu Mỹ (1,76%) lên 14,6225 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá đậu tương giao kỳ hạn tăng mạnh do giá đậu tương tiếp tục thiết lập mức cao mới trong giữa bối cảnh giá dầu thô của Mỹ "leo thang".

Đồng USD giảm mạnh đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường nông sản. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng ngô và lúa mỳ kỳ hạn được định giá quá cao dựa trên các biện pháp tính toán về dự trữ/tiêu thụ.

Nga đang đề xuất ngân hàng nhà nước Rosselkhosbank được miễn các lệnh trừng phạt kinh tế của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc của Nga. Điều này sẽ giữ cho hành lang xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine luôn rộng mở. Liên hợp quốc đang cố gắng làm dịu tình hình lạm phát lương thực và duy trì xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, giá lúa mỳ thế giới đã tăng 3,2% trong tháng 10/2022.

Thời tiết mát mẻ và khô ráo được dự báo cho hầu hết các khu vực trồng trọt của Brazil và Argentina trong 5 - 6 ngày nữa. Mưa rào và nhiệt độ ấm lên sau đó dự kisẽ hỗ trợ mùa màng.

Trên thị trường cà phê thế giới, giá cà phê phục hồi sau khi giảm trong các phiên trước đó. Theo đó, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2023 được giao dịch ở mức 1.876 USD/tấn, sau khi tăng 1,85%.

Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giao ngay tháng 12 tại thị trường New York tăng 3,55 xu, lên175,75 xu/lb. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. (1lb = 0,4535 kg).

Giá cà phê hai sàn đảo chiều tăng khi USD giảm mạnh trở lại sau báo cáo việc làm tháng 10 của Bộ Lao Động Mỹ cao hơn mức dự kiến, đạt 261.000 việc làm. Đây là con số rất được sự quan tâm chờ đợi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc điều hành chính sách tiền tệ kỳ tới. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã mang lại sự tích cực cho thị trường hàng hóa nói chung.

Dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Số liệu công bố cho thấy, GDP của Mỹ quý III/2022 tăng 2,6% so với quý trước. Điều này sẽ góp phần giúp Fed mạnh tay trong việc nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp tới.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm. Lãi suất tăng cao, sức tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dồi dào khi nhiều nước sản xuất cà phê chính bước vào kỳ thu hoạch vụ mùa mới của niên vụ 2022 - 2023. 

Trong 7 tháng kể từ đầu năm 2022, nhập khẩu cà phê của hầu hết các thị trường lớn đều tăng. Nhờ vậy, ngành cà phê Việt Nam cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với khó khăn, giá giảm xuống mức thấp, nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Nhiều khả năng các tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường cà phê toàn cầu vẫn đối mặt với khó khăn.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 tăng 7,8 triệu bao (tương đương mức tăng 4,7%) so với niên vụ 2021 - 2022, chủ yếu do vụ mùa Arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ "hai năm một".

Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn.

Bích Hồng  - Minh Trang (TTXVN)
Giá nông sản tăng vọt trước lo ngại nguồn cung thắt chặt, kim loại lao dốc
Giá nông sản tăng vọt trước lo ngại nguồn cung thắt chặt, kim loại lao dốc

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, chỉ số hàng hoá MXV-Index đảo chiều tăng 0,86% lên mức 2.465 điểm. Đà tăng chủ yếu đến từ lực mua rất mạnh trên thị trường nông sản. Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN