Giá vàng ổn định ở gần mức cao nhất hơn một tuần qua
Vào lúc 14 giờ 18 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.862,69 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 29/9 trong phiên trước. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn ổn định ở mức 1.876 USD/ounce.
Đồng USD đã giảm xuống gần như thấp nhất trong hai tuần qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt, sau khi Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã rời khỏi các mức cao nhất kể từ năm 2007 ghi nhận trong tuần trước.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari ngày 10/10 cho rằng “có khả năng” sự gia tăng gần đây trong lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của Mỹ đồng nghĩa với việc Fed không cần phải nâng lãi suất hơn nữa, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic dự đoán Fed sẽ dừng tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, giá vàng phục hồi từ mức thấp nhất bảy tháng qua ghi nhận gần đây sau khi những căng thẳng ở Trung Đông đang thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn. Nhưng diễn biến tiếp theo của kim loại quý này sẽ phụ thuộc vào số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này.
Bất ổn tại Trung Đông đẩy giá dầu đi lên
Giá dầu tăng tại châu Á trong phiên này trước khả năng gián đoạn nguồn cung do tình hình bất ổn ở Trung Đông.
Vào đầu giờ chiều này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 25 xu Mỹ, hay 0,3%, lên 87,90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 24 xu Mỹ, hay 0,3%, và được giao dịch ở mức 86,21 USD/thùng.
Israel sản xuất rất ít dầu thô, nhưng thị trường lo ngại rằng xung đột giữa nước này với lực lượng Hamas có thể leo thang và làm gián đoạn nguồn cung tại trung Đông, từ đó làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt đã được dự báo cho thời gian còn lại của năm nay.
Giới chức Mỹ cho rằng Iran có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas tại Israel. Các chuyên gia Warren Patterson và Ewa Manthey của ngân hàng ING cho rằng nếu Mỹ tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Iran, thị trường dầu sẽ bị thắt chặt đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm xuống mức thấp nhất hai tuần qua, giữa lúc thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng Chín của Fed sẽ được công bố trong ngày 11/10. Đồng USD suy yếu khiến cho dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó có thể thúc đẩy nhu cầu dầu.
Khả năng Fed dừng tăng lãi suất "nâng đỡ" các TTCK châu Á
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 11/10 trước những đồn đoán ngày càng gia tăng rằng Fed sẽ dừng chu kỳ nâng lãi suất và thông tin cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc một loạt biện pháp kích thích kinh tế.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,6% lên 31.936,51 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,3% lên 17.893,10 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thương Hải ghi thêm 0,1% lên 3.078,96 điểm.
Dù sự bất ổn do xung đột Israel-Hamas vẫn đang khiến giới đầu tư lo ngại, nhưng tâm lý trên thị trường chứng khoán đã cải thiện sau báo cáo việc làm khả quan của Mỹ hồi tuần trước và những bình luận thiên về khả năng dừng tăng lãi suất của các quan chức Fed nói trên.
Những nhận định này đã xoa dịu lo ngại rằng các số liệu gần đây đang gây áp lực để Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Số liệu dự đoán cho thấy xác suất Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 12 là hơn 60%, trong khi chỉ một tuần trước đó, xác suất ngân hàng này nâng lãi suất vào cuộc họp tới là 60%.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc còn khởi sắc sau khi tờ Bloomberg News đưa tin giới chức nước này đang cân nhắc phát hành gần 140 tỷ USD trái phiếu để thúc đẩy nền kinh tế. Số tiền này sẽ được chi cho nhiều dự án nhằm kích thích hoạt động kinh tế, vốn đã chững lại trong năm nay.