Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã quay đầu giảm trong hai phiên cuối tuần, chủ yếu do hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/4), giá vàng thế giới tăng 1% và có lúc vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce khi đồng USD trượt xuống và đà phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán có dấu hiệu dừng lại. Chuyên gia Bart Melek, thuộc TD Securities tại Toronto, nhận định việc đồng USD yếu đi và sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro có phần giảm sút cộng với hoạt động mua vào vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc là những yếu tố đẩy giá vàng lên 1.300 USD/ounce. Thống kê cho thấy tính đến cuối tháng Ba, Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng của nước này 0,6% lên 60,62 triệu ounce.
Tới phiên giao dịch ngày 9/4, giá vàng lên mức cao nhất trong hơn một tuần, giữa bối cảnh đồng USD và các chỉ số chứng khoán yếu đi sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ 3,5% xuống 3,3%, đồng thời cảnh báo đà tăng trưởng có thể tiếp tục giảm nếu căng thẳng thương mại kéo dài và nếu nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào. Ngoài ra việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào vàng đã "tiếp sức" cho giá kim loại quý này. Trung Quốc, nước thu mua vàng lớn nhất thế giới, trong tháng Ba đã tăng dự trữ vàng trong tháng thứ tư liên tiếp. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng lượng vàng nắm giữ.
Giá vàng tiếp tục lập kỷ lục, khi tăng lên mức cao nhất gần hai tuần qua trong phiên giao dịch ngày 10/4, giữa những lo ngại của giới đầu tư về những căng thẳng thương mại và triển vọng kinh tế toàn cầu. George Gero, Giám đốc điều hành trung tâm RBC Wealth Management, cho rằng các vấn đề địa chính trị như sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những bất ổn mà Khu vực đồng Euro đang phải đối mặt do sự giảm tốc trong hoạt động thương mại toàn cầu là những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 11/4 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, giá vàng kỳ hạn có phiên mất điểm mạnh nhất trong tháng Tư, khi giảm xuống dưới 1.300 USD/ounce. Theo các nhà phân tích thị trường, hoạt động chốt lời cũng là nguyên nhân khiến giá kim loại quý này giảm sau bốn phiên tăng liên tiếp trước đó. Ngoài ra, việc cuộc khủng hoảng Brexit tạm thời được xoa dịu đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng. EU đã nhất trí gia hạn thời điểm Brexit thêm sáu tháng, đặt ra một thời hạn mới là ngày 31/10 nhằm tránh một kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Trong phiên cuối tuần (12/4), giá vàng tiếp tục đi xuống, trước đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.290,71 USD/ounce, trong khi giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đóng phiên ở mức 1.295,2 USD/ ounce. Các nhà giao dịch cho biết việc chỉ số đồng USD giảm 0,2% so với rổ tiền tệ và đang hướng đến tuần giảm đầu tiên trong bốn tuần đã giúp kiềm giữ đà giảm của giá vàng. Các nhà phân tích của Capital Economics cho rằng giá của các tài sản an toàn như vàng sẽ sớm được đẩy lên, giữa bối cảnh nhu cầu đầu tư vào vàng vẫn mạnh, theo đó, giá vàng có thể phục hồi lên 1.400 USD/ounce vào cuối năm 2019.