Nguyên nhân là do cá tăng giá thời điểm trước đây khiến nhiều hộ tự ý đào ao nuôi ngoài vùng quy hoạch, tăng diện tích nuôi nên đã ảnh hưởng đến cung vượt cầu, cộng với cá tra thương phẩm giảm ảnh hưởng đến cá tra giống.
Giá cá tra thịt sụt giảm, giá cá tra giống giảm theo khiến nhiều hộ nuôi lỗ nặng. Anh Nguyễn Anh Duy tại xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng cho biết, gia đình có gần 1 ha ao sản xuất cá tra giống; từ đầu năm đến nay, anh lỗ gần 100 triệu đồng khiến cả nhà mất ăn, mất ngủ vì lao vào con cá tra. Hiện, cá giống anh bán ra chỉ 16.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất hơn 23.000 đồng/kg.
Hiện với giá cá tra giống giá 16.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Thời gian ương nuôi cá bột đến khi xuất bán chỉ gần 2 tháng.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cho biết, cá tra giống có những tháng giá tăng lên quá cao ở mức 60 ngàn đồng/kg, nhưng có tháng xuống quá thấp. Nguyên nhân là do thời gian qua, rất nhiều hộ ương nuôi trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã cơ bản mua đủ con giống.
Ông Quốc khuyến cáo, người nuôi cá tra giống, không nên khi thấy giá cá tra giống lên cao tập trung nuôi nhiều. Đồng thời, không nên nuôi ngoài vùng quy hoạch, không đào thêm ao mới để nuôi, không nên tận dụng ao nuôi các loại cá khác chuyển sang sản xuất cá tra giống để hạn chế rủi ro cung vượt cầu.
Để tránh tình trạng cá tra giống lên xuống bất thường, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp định hướng cho các hộ và doanh nghiệp nuôi hướng đến mô hình liên kết sản xuất giống cá tra chất lượng cao; quy hoạch các vùng sản xuất giống cá tra tập trung với tổng diện tích 420 ha tại 4 địa phương gồm: thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành.
Đồng Tháp là tỉnh sản xuất giống cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 13 tỷ cá bột và 1,2 tỷ cá giống phục vụ nuôi thương phẩm cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.