Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, thời gian qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã liên tục hợp tác chặt chẽ với Bộ, thúc đẩy hợp tác hiệu quả cũng như tích cực tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông sản.
Thời gian qua, do dịch COVID-19 nên xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước có giảm. Bên cạnh đó, quá trình đàm phán mở cửa thị trường một số mặt hàng đã có kế hoạch cụ thể nhưng do dịch nên việc Trung Quốc đưa chuyên gia sang trao đổi gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn, Đại sứ quán cũng như cá nhân ông Hồ Tỏa Cẩm cùng các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục tích cực tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản vì tình hình dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp. Hai bên cùng bàn để có các giải pháp khắc phục khó khăn do dịch.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng hai nước nên vụ vải vừa qua được tiêu thụ rất tốt. Việt Nam mong muốn thúc đẩy xuất khẩu trái nhãn sang Trung Quốc như trái vải. Bởi, ngoài sản phẩm tươi, nhãn có thể chế biến được nhiều sản phẩm.
Ông Hồ Tỏa Cẩm đánh giá, Trung Quốc là thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam. Việt Nam cũng là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Việt Nam xuất khẩu nhiều loại hoa quả sang Trung Quốc. Cơ quan chức năng hai bên đã tháo gỡ được những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong thông quan, đặc biệt là hoa quả theo mùa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi hơn nữa.
Vừa qua, Trung Quốc đã tiêu thụ được hơn 60.000 tấn vải của Bắc Giang. Với trái nhãn, ông đã làm việc Sở Công Thương Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để đẩy mạnh xuất khẩu trái nhãn.
Ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các Bộ ngành liên quan để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn như: làm việc trực tuyến, liên hệ các doanh nghiệp, đầu mối lớn trong nước Trung Quốc, tạo điều thuận lợi nhất cho nhãn cũng như thúc đẩy nhập khẩu long nhãn của Việt Nam.
Với sản phẩm long nhãn, Đại sứ quán sẽ tiếp tục quan tâm, theo dõi tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc. Đại sứ quán đã liên hệ một số doanh nghiệp có nhu cầu nhập long nhãn. Nhưng quan trọng là việc kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước để đưa hàng đến cửa khẩu Bằng Tường, doanh nghiệp Trung Quốc có thể lấy hàng tại đây và đưa về tiêu thụ nội địa. Hai bên cần kết nối sớm các doanh nghiệp và Đại sứ quán sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Cũng tại cuộc làm việc, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, năm nay, nhãn được mùa, lại vào đúng đợt dịch COVID-19 nên toàn bộ việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ nhãn tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, thậm chí tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết cũng gặp khó khăn. Các nhà vườn đang đẩy mạnh tiếp cận các kênh bán hàng riêng của mình và gia tăng chế biến long nhãn.
Ông Bùi Thế Cử cho hay, khâu chế biến long nhãn của tỉnh đã vận hành, tuy nhiên doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể nhập nhãn tươi tại cửa khẩu và về nước rồi chế biến. Tỉnh đã giao Sở Công Thương làm đầu mối kết nối các nhà sản xuất và đây cũng là đầu mối để làm việc với các nhà nhập khẩu.