Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh gia cầm lớn nhất của tỉnh Tiền Giang, giá gà thịt liên tục giảm trong những tháng gần đây làm người chăn nuôi lo lắng, ngại tái đàn dù thời gian đến Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề. Theo thống kê, huyện Chợ Gạo có 8.600.000 con gia cầm, chiếm 50% và là huyện có đàn gia cầm được chăn nuôi tập trung lớn nhất ở Tiền Giang. Phần lớn được nuôi ở các trang trại chuyên canh quy mô lớn; trong đó, có 28 trại có quy mô đàn trên 30.000 con/trại, chuyên khai thác trứng.
Theo các chủ trang trang trại gà ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, giá gà thịt được thương lái mua vào thời điểm này giảm 40% đồng so với năm vừa qua. Gà ta Bình Định được mua tại chuồng với giá 62.000 đồng/kg đối với gà trống và 52.000 đồng/kg đối với gà mái. Riêng, gà tre có giá từ 58.000 - 60.000 đồng/kg.
Theo anh Võ Văn Cường, chủ một cơ sở thức ăn và thuốc thú y ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, với giá thức ăn ở mức 0.000 đồng/bao, với số lượng nuôi 1.000 con thì người nuôi lỗ 10 triệu đồng đối với gà ta Bình Định và 20 triệu đồng đối với gà tre. Trước tình hình này, nhiều chủ trại gà phải nợ tiền tiền thức ăn và thuốc thú y cho đàn gà vì không đủ tiền để trả tiền vốn con giống và thức ăn.
Ông Ngô Hữu Dụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn xã Bình Phục Nhứt có khoảng 4.000 hộ nuôi gà thịt với số lượng khoảng 1,2 triệu con. Trước tình hình giá gà thịt đang giảm, người nuôi gà lỗ, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân nên cân nhắc khi tái đàn để tránh bị thua lỗ trong tình hình giá gà thịt đang giảm.
Tại Hợp tác xã Duy Huy ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, chuyên nuôi và tiêu thụ vịt siêu thịt và vịt Xiêm thì các xã viên đang gặp khó khăn trong việc tái đàn vì giá gà, vịt giảm. Hiện nay, giá thức ăn tăng rất cao, giá vịt giống cũng cao nhưng giá vịt thịt lại giảm ảnh hưởng đến việc tái đàn của thành viên hợp tác xã.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tổng số đàn gia cầm của tỉnh hiện nay là 17,3 triệu con, chưa kể chim cút. Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: giá nguyên liệu đầu vào cao, giá bán chưa ổn định… làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ngành chăn nuôi thú y khuyến cáo, bà con chăn nuôi cần quản lý chặt chẽ bệnh cúm A/H5N1 đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong những tháng thời tiết lạnh cuối năm, nhằm phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn gia cầm.