Tính đến ngày 25/7, tại cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh có tới 3.579 container tồn đọng; trong đó có 594 container tồn từ 30 - 90 ngày; đặc biệt hiện có tới 2.423 container tồn quá 90 ngày. Còn ở cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5/7, còn tồn 1.485 container, trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với 1 tháng trước đó; có tới 632 container (tồn từ 30 - 90 ngày); 853 container tồn quá 90 ngày.
Cán bộ hải quan kiểm tra nhanh bề mặt thép phế liệu nhập khẩu bằng máy đo phóng xạ tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh: H.Anh.
|
Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ) cho biết: Từ đầu tháng 7/2018 đến nay, hải quan đã phát hiện 25 lô hàng không đạt điều kiện nhập khẩu, chủ yếu là mặt hàng liên quan đến phế liệu nhựa, giấy, sắt thép… Chủ hàng không có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường để nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất; không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về bảo vệ môi trường.
“Đối với các lô hàng của doanh nghiệp đã nhập khẩu về cảng, TCHQ sẽ chỉ đạo các đơn vị hải quan tỉnh, thành phố và các chi cục kiểm định hải quan kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo các lô hàng phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, phải là nguyên liệu “sạch” mới được thông quan đưa vào sản xuất. Với những lô hàng đang tồn đọng tại cảng quá 30 ngày trở lên, hải quan đang rà soát. Trong trường hợp chủ hàng (người đứng tên trên vận đơn) không có đủ giấy tờ theo quy định, sẽ thực hiện xử lý theo quy định pháp luật, có thể buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Phía Cục Hàng hải Việt Nam cũng vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; các hãng tàu biển nước ngoài, các doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp kinh doanh cảng container tại Hải Phòng hợp tác trong việc xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng.
Theo đó, phía Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị: Doanh nghiệp khai thác cảng biển chủ động phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, đại lý hãng tàu, chủ hàng, cơ quan hải quan, cơ quan môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện rà soát, thống kê, phân loại hàng hóa container phế liệu hiện đang tồn đọng tại cảng biển. Trên cơ sở phân loại chi tiết hàng hóa tồn đọng, hiện trạng và nguyên nhân tồn đọng, báo cáo đề xuất phương án di dời đối với từng lô hàng để tạo thuận lợi cho vận hành khai thác cảng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định pháp lý hiện hành.
Bên cạnh đó, các hãng tàu tổ chức thực hiện rà soát, thống kê, phân loại hàng hóa container phế liệu hiện đang tồn đọng tại cảng để phối hợp chặt chẽ với chủ hàng, doanh nghiệp cảng biển, nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời cho cơ quan, đơn vị liên quan để có giải pháp xử lý kịp thời, tạo thuận lợi cho các bên liên quan.
Khởi tố 2 doanh nghiệp nhập khẩu trái phép phế liệu
Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ) vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH Hồng Việt và Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trường Thịnh về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”. Kết quả điều tra cho thấy có đủ căn cứ xác định: DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh (địa chỉ tại xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) do Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc; Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (địa chỉ tại phường 4, quận 4, TP Hồ Chí Minh) do Lê Hữu Thiêm làm giám đốc và Dương Tuấn Anh là quản lý điều hành có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.
Phía Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Công ty TNHH Đức Đạt; Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc DNTN Trường Thịnh; Dương Văn Phương, nhân viên DNTN Trường Thịnh; Dương Tuấn Anh, quản lý điều hành Công ty Hồng Việt về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, theo Điều 189, Bộ luật Hình sự năm 2015.
|