Tính đến ngày 30/4, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành Trung ương và địa phương ước hơn 89.312 tỷ đồng, đạt 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 16,45% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 17,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt hơn 85.759 tỷ đồng, vốn nước ngoài giải ngân đạt hơn 3.553 tỷ đồng.
Có 8 bộ, ngành và 35 địa phương có số giải ngân đạt trên 20%, trong đó có 2 bộ, ngành và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%, gồm: Ngân hàng phát triển (61,09%); Kiểm toán nhà nước (39,6%); Ninh Bình (58,64%); Thái Bình (,48%); Hưng Yên (37,25%); Nam Định (35,80%); Bắc Giang (35,76%); Nghệ An (34,76%); Phú Thọ (33,16%); Lai Châu (31,21%); Bình Thuận (30,%) và Hà Nam (30,26%).
Tuy nhiên vẫn còn có 32 bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương có số giải ngân đạt dưới 10%. Trong đó, có 13 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%). Một số ngành chưa giải ngân được đồng vốn nào như: Ủy ban dân tộc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam…2 địa phương có số vốn cần giải ngân lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 47 nghìn tỷ đồng) và Đồng Nai (hơn 13 nghìn tỷ đồng) mới giải ngân được dưới 10%.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giải ngân những tháng đầu năm 2020 chậm do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương vào thời điểm đầu năm thường tập trung giải ngân vốn kéo dài kế hoạch năm 2019, dự án đang hoàn thành nghiệm thu khối lượng chưa làm thủ tục thanh toán vốn ở Kho bạc Nhà nước.
Một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm, thiếu cương quyết trong việc chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ đầu năm; năng lực của một số đơn vị chủ đầu tư còn hạn chế, chưa nắm bắt đầy đủ các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Đối với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn 2020 còn lại cho các dự án đã đủ điều kiện giao kế hoạch; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA (nguồn vốn đầu tư nước ngoài), nhất là đối với các dự án trọng điểm, quy mô lớn; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân chậm; xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là một số dự án cấp bách như: các dự án cải tạo đường hạ cất cánh và đường lăn 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) được phép thực hiện năm 2020 gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019 (312.000 tỷ đồng cả vốn trong nước và nước ngoài). Trong đó 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán NSNN năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công năm nay sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, số vốn giải ngân năm 2020 rất lớn nên các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt mới giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Tháng 9/2020, sẽ tổng hợp báo cáo giải ngân của các bộ, ngành, địa phương để trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương nếu có tỷ lệ giải ngân dưới 60% để điều chỉnh cho các dự án đầu tư công cấp bách, các dự án chống ngập mặn, dự án chống biến đổi khí hậu.
“Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020”, đại diện Bộ KH-ĐT nói.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Chỉ riêng việc giải ngân khẩn trương khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số tiền ‘trong túi’ của các bộ ngành, địa phương trên 30 tỷ USD thì đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, mở mang được thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này; phát huy vai trò của thể chế, huy động được tổng lực các dòng vốn đầu tư xã hội thì không có lí do gì, chúng ta không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% năm nay, như quyết tâm của Người đứng đầu Chính phủ”.