Người tiêu dùng mua thịt lợn tại Siêu thị Co.op mart Foodcosa, Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Cụ thể, Công ty VISSAN sẽ cung cấp 1.500 con lợn ra thị trường, Công ty Anh Hoàng Thy (Đồng Nai) cung cấp 700 con và 4 cơ sở khác cung cấp khoảng 1.300 con. Qua đó, đảm bảo bù đắp cho lượng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho thị trường, các chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối.
Ông Phạm Thành Kiên cho hay, ngành công thương thành phố cũng tiếp tục theo dõi diễn biến nguồn cung tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời nếu có biến động. Đồng thời, cam kết đảm bảo nguồn cung thịt lợn cũng như giá ổn định.
Liên quan đến việc xử lý số lợn bị tiêm thuốc an thần, có dấu hiệu bị lở mồm long móng, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, đến sáng nay (3/10), cơ quan thú y đã tiến hành xử lý được hơn 1.900 con lợn trong tổng số 3.590 con.
Hiện số lợn còn tồn (khoảng hơn 1.730 con của 5 thương lái) đang được tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, các tiểu thương này không chấp hành và chống đối, lôi kéo người nuôi đến phản đối, gây mất an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Phước Trung nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đang tập trung tăng cường xử lý, dứt khoát không để con lợn bị tiêm thuốc an thần nào lọt ra thị trường.
Về nơi tiêu hủy lợn, ông Trung cho biết đã liên hệ với lãnh đạo bãi rác Đông Thạnh nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo công suất và khả năng bình thường, bãi rác chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500 con lợn mỗi ngày.
Sau khi vận động thuyết phục, phía bãi rác đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận mỗi ngày 1.000 con, đem vào kho lạnh trữ sau đó đem tiêu hủy dần.
Ông Nguyễn Phước Trung khẳng định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên nếu phát hiện có sự tiếp tay cho việc này. Nếu phát hiệu có tiêu cực, tham nhũng sẽ phải buộc thôi việc.
Theo ông Trung, Sở đã yêu cầu Chi cục Thú y đình chỉ công tác tổ trưởng và hai tổ phó thuộc Chi cục Thú y để phục vụ điều tra, đồng thời yêu cầu 17 nhân viên thú y liên quan viết bản kiểm điểm, tường trình.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Hải, Phó Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, khi thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện ra sự việc, lực lượng thanh tra đã tiến hành thu giữ và lấy mẫu kiểm định. Lãnh đạo Ban Quản lý đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo tịch thu toàn bộ số lợn đã bị tiêm thuốc an thần này, đồng thời chỉ đạo các đội quản lý an toàn thực phẩm của ban khẩn trương rà soát giám sát sản phẩm động vật đang lưu thông trên địa bàn.
Theo ông Lê Minh Hải, đến nay qua rà soát chưa có chứng cứ chứng minh được lượng lợn tiêm thuốc đưa ra thị trường. Trong thời gian tới, Ban sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu từ sản xuất, chăn nuôi, giết mổ đến việc đưa ra thị trường.
Trước đó, vào đêm 28, rạng sáng 29/9, đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Cục Cảnh sát môi trường (C49) - Bộ Công an và Chi Cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang 2 nhân viên của cơ sở giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đang bơm thuốc an thần vào lợn để giết mổ trong đêm.
Tại hiện trường, lợn được tiêm thuốc an thần nằm la liệt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vỏ lọ thuốc, dung dịch màu vàng được đựng trong chai truyền nước (ghi dung dịch thuốc an thần) và các dụng cụ dùng để tiêm thuốc an thần cho lợn.
Qua kiểm tra ban đầu, đoàn phát hiện 5.231 con lợn đã được tiêm thuốc an thần để chuẩn bị giết mổ; số lợn chưa kịp tiêm là 587 con.