TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh khuyến mãi, giảm giá kích cầu mua sắm dịp cuối năm

Trước áp lực lãi suất, tỷ giá, xăng dầu... tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng cùng TP Hồ Chí Minh bình ổn giá, thậm chí áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng mua sắm cuối năm.

Chú thích ảnh
Các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh áp dụng các chương trình khuyến mãi lớn để kích cầu mua sắm.

Giảm giá sâu tới 80%

Nhằm kích cầu tiêu dùng và tăng sức mua trên thị trường, hiện rất nhiều kênh bán lẻ hiện đại tung ra chương trình giảm giá. Theo đó, hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) trên cả nước đồng loạt thực hiện chương trình tri ân khách hàng với chủ đề “4 triệu tin yêu – một lòng tri ân”, thiết kế thành 14 chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà, thực hiện liên tục 14 ngày với tổng cộng hơn 40.000 sản phẩm giảm giá mạnh. Trong đó, một số sản phẩm giá bán chỉ từ 4.000 đồng; các ngày cuối tuần có siêu ưu đãi mua sản phẩm giảm giá gần 80% kèm điều kiện đơn giản, giảm giá cho nhóm rau củ quả VietGAP - GlobalGAP,...

Chú thích ảnh
Các mặt hàng tiêu dùng sẽ được giảm giá, khuyến mãi nhiều nhất để kích cầu mua sắm cuối năm.

Tương tự, tưng bừng không khí lễ hội cuối năm và hưởng ứng tháng Khuyến mãi quốc gia, Big C/GO! tung ra hàng loạt sản phẩm khuyến mãi từ ngày 3/11 đến hết ngày 21/11 với các ưu đãi lên đến 50%, dành cho hơn 400 sản phẩm đến từ tất cả các ngành hàng. Ví dụ, các vật dụng và các sản phẩm trang trí nhà cửa giảm giá lên đến 50%, ngành hàng tiêu dùng nhanh ưu đãi đến 50%, ngành hàng thực phẩm tươi sống giảm giá đến 30%, các sản phẩm thời trang giảm giá lên đến 22%.

Còn tại Mega Market, tuần lễ “Khám phá hương vị Thái” khởi động với hàng loạt ưu đãi cùng chương trình đồng giảm giá 30% áp dụng cho tất cả khách hàng mua sắm tại hệ thống. Mặt khác, MM Mega Market còn áp dụng chương trình giảm giá ngành hàng thực phẩm (trừ thực phẩm tươi sống) và phi thực phẩm với mức giảm lên đến 80%, bắt đầu từ ngày 15/11. Đơn vị này cũng cam kết luôn bán giá tốt cho mặt hàng nhu yếu phẩm, chú trọng vào sản phẩm đóng gói lớn nhằm giúp khách hàng tiết kiệm hơn.

Trong khi đó, tại hệ thống Winmart/Winmart+ cũng áp dụng giảm giá lên đến 50% cho hàng trăm mặt hàng, kéo dài đến hết ngày 30/11, tập trung ở ngành hàng thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng trong nước và nhập khẩu. Lotte Mart giảm giá sốc 14 ngày liên tiếp với chương trình mua 1 tặng 1 và giảm giá lên đến 50%, kéo dài từ ngày 9 - 22/11...

Ngoài các chương trình khuyến mãi của các hệ thống bán lẻ hiện đại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh còn tổ chức chương trình Shopping Season 2022 đợt 2, chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2022”, từ ngày 15/11 đến ngày 15/12. Dự kiến, chương trình lần này sẽ thu hút nhiều nhóm DN tham gia gồm: thương nhân chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, chợ, sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhóm DN sản xuất gồm các ngành hàng điện tử, hóa chất – cao su – nhựa; chế biến thực phẩm; may mặc...

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh phải trích ngân sách để tung khuyến mãi, trợ giá và kích cầu tiêu dùng nhằm giữ cho giá cả hàng hóa được ổn định.

Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu thuộc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình khuyến mãi tập trung góp phần tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong hơn 2 tháng, doanh nghiệp, thương nhân tham gia các chương trình khuyến mãi này sẽ được bán giảm giá vượt mức 50%. Còn người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua sắm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng tốt với giá rất hấp dẫn.

Nỗ lực kìm giá cuối năm

Mặc dù các chương trình khuyến mãi, giảm giá được đẩy mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp khó có thể giữ giá ổn định trong dịp Tết nguyên đán 2023. Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp (DN) đang tính toán giải pháp trợ giá và áp dụng chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng cuối năm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao nhưng đầu ra thấp, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của DN. Trong khi đó, DN đã chịu hàng loạt khó khăn như biến động nguyên liệu tăng 15 - 30% vì đứt gãy nguồn cung do dịch bệnh COVID- 19, giá xăng dầu tăng cao. Thế nhưng, rất nhiều DN đang "kìm" giá đầu ra của sản phẩm.

Chú thích ảnh
Người dân ngày càng thặt chặt chi tiêu khi giá cả hàng hóa tăng.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng; chưa kể hệ thống phân phối bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến ngành vận chuyển, hậu cần và nhân lực. Nhằm giúp ngành chế biến lương thực, thực phẩm tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, TP Hồ Chí Minh đã có chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 – 2030; đồng thời tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế về lương thực thực phẩm với mong muốn tăng sức mua cho ngành này.

Nói về thị trường bán lẻ, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 tăng 1,35% so với tháng trước, tăng 78,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 10 trên địa bàn duy trì ổn định. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 29,9% so với cùng kỳ.

Dự báo từ nay đến cuối năm, Thành phố bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Việc "gồng mình giữ giá" cho người tiêu dùng đang là bài toán cần được DN tính toán kỹ, bởi hiện nay hầu hết nhà cung cấp đều cho rằng, việc tăng giá là cần thiết và bất khả kháng vì giá đầu vào nguyên liệu tăng, lãi suất ngân hàng tăng, tỷ giá giá USD/VND cũng đang tăng... nên khả năng từ đây đến Tết nguyên đán 2023, sẽ có nhiều mặt hàng áp dụng giá mới. Cụ thể, từ đầu tháng 11 một số mặt hàng đã hình thành mặt bằng giá mới như mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm nhập khẩu đã được điều chỉnh tăng ít nhất 5%...

Tuy nhiên, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để kích cầu tiêu dùng mua sắm cuối năm, Sở đang tiếp tục vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán và hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ, chợ truyền thống... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng dịp cao điểm mua sắm cuối năm và Tết 2023.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng
Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng

Theo các chuyên gia kinh tế, với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng góp phần phục hồi kinh tế sau dịch bệnh nhưng phải có giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN