Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển rất nhanh, phù hợp với định hướng của Nhà nước trong việc phát triển thị trường vốn song song với thị trường tín dụng. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển lành mạnh, đúng hướng vẫn cần khung pháp lý đủ mạnh hơn trong việc bảo vệ các nhà đầu tư cũng như hạn chế các trường hợp lừa đảo.
Từ những trường hợp “cá biệt”…
Cách đây vài ngày, giới đầu tư trong nước “rúng động” trước thông tin Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hồng Hoàng (trụ sở ở Phường 7, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh) phát hành thành công hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với lãi suất “khủng” lên tới 20%/năm. Đây được xem là mức lãi suất kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Với mức lãi suất trên, hàng năm Hồng Hoàng phải trả 280 tỷ đồng tiền lãi. Ngạc nhiên hơn, doanh nghiệp này mới được thành lập từ cuối năm 2016, với số vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 10/2019, một trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Đó là việc Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm. Điều đáng nói, doanh nghiệp này phát hành một lượng trái phiếu lớn trong khi dòng tiền hoạt động kinh doanh lại đang bị âm.
Báo cáo tài chính quý III/2019 của Land Saigon cho thấy, trong quý III cũng như lũy kế 9 tháng năm 2019, doanh nghiệp này không có doanh thu về bán hàng mà chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính. Trong quý III, doanh thu hoạt động tài chính của Land Saigon đạt 24,4 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lên tới 40 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cao nên ghi nhận lỗ 14,2 tỷ đồng. Hệ số nợ trên tổng tài sản của doanh nghiệp lên tới 69%, trong đó chủ yếu là những khoản nợ dài hạn.
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang bị âm là khá rủi ro. Rủi ro cho chính doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư.
Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, thông thường các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải đảm bảo tổng tài sản lớn hơn tổng khối nợ muốn huy động vào. Nếu không, cơ cấu nợ quá lớn so với tổng tài sản hoặc vốn điều lệ sẽ khiến hoạt động của doanh nghiệp mất cân đối, có nguy cơ dẫn đến phá sản trong tương lai khi có rủi ro phát sinh.
“Các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải có dự án cụ thể; có phương án sử dụng dòng vốn cũng như lợi nhuận mang về của dự án phải đảm bảo cao hơn chi phí vốn huy động thì mới khả thi. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu có phương án sử dụng vốn thiếu minh bạch, không có tính khả thi thì rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư”, vị chuyên gia này cho biết.
… đến chuyện minh bạch thị trường
Đầu tháng 2/2019, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực đã mở ra một “chương mới” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với những quy định mới nới lỏng hơn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 163 đã giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên sôi động, ghi nhận nhiều trường hợp gọi vốn thành công cho doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp chưa niêm yết).
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI phát hành gần đây cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 178.732 tỷ đồng (số liệu không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố).
Trong đó, các ngân hàng thương mại vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 79.411 tỷ đồng, chiếm 44,4%. Tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản chiếm 34,3% với 61.269 tỷ đồng; còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, cơ chế phát hành trái phiếu hiện nay rất thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có lộ trình siết tín dụng vào bất động sản. Tuy nhiên, với mức lãi suất huy động cao, chi phí vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên, làm tăng rủi ro cho chính những doanh nghiệp đó và nhà đầu tư.
“Với tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng lên như hiện nay thì rủi ro cho nhà đầu tư càng cao. Các nhà đầu tư cần cân nhắc lựa chọn các đơn vị phát hành uy tín, có kết quả kinh doanh tốt và có phương án sử dụng vốn phát hành trái phiếu khả thi… trước khi quyết định tham gia”, ông Châu lưu ý.
Về góc độ hành lang pháp lý, bên cạnh Nghị định 163, các chuyên gia cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững vẫn cần một số yếu tố cần thiết, nhất là vấn đề liên quan đến minh bạch thị trường, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Tại một hội nghị về đầu tư được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh gần đây, bà Stephanie Betant, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh và hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế trong thời gian tới. Hiện một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã kết nối với thị trường tài chính quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần giải quyết được các vấn đề còn tồn tại như đơn giản hoá các thủ tục, minh bạch hoá thông tin, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Đây là những yếu tố đặc biệt quan trọng của thị trường trái phiếu, quyết sự tham gia các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, ký kết được biên bản với tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế sẽ rất tốt để các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thị trường trái phiếu Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư mới có thể yên tâm khi đầu tư vào trái phiếu. Doanh nghiệp cũng sẽ dựa trên xếp hạng tín nhiệm để cân nhắc mức lãi suất chào bán. Bởi lẽ, với mức tín nhiệm cao, doanh nghiệp không cần phải trả lãi suất quá cao cho việc phát hành trái phiếu. Từ đó, có thể tiết kiệm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Còn hiện tại đang có sự cào bằng trong việc đưa ra mức lãi suất, đây được xem là điểm bất lợi cho chính doanh nghiệp phát hành.
Bên cạnh đó, chuyên gia Trương Hiền Phương cũng cho rằng, cần có cơ chế quy định lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp theo một biên độ nhất định, không nên để doanh nghiệp tùy tiện đưa ra mức lãi suất bất kì mà họ muốn.
“Khi doanh nghiệp đang cần tiền, họ có thể huy động vốn với mức lãi suất lên đến 20-30%/năm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đảm bảo cho nhà đầu tư nhận được mức lãi, hay đồng vốn bỏ ra khi doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, vỡ nợ. Nếu có khung pháp lý như thế sẽ an toàn hơn cho các nhà đầu tư tài chính, cũng như tạo sự công bằng cho những doanh nghiệp khác, hạn chế các trường hợp lừa đảo trong hoạt động này”, ông Trương Hiền Phương lý giải.