Tránh vi phạm quy tắc xuất xứ khi tận dụng lợi thế EVFTA

Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), ông Âu Anh Tuấn cho hay: Các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy tắc xuất xứ quy định tại các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt kể từ ngày 1/8 Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực.

Chú thích ảnh
Cấp đông sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Bá Hải. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN.

Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nắm tình hình hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu đi các thị trường, đặc biệt thị trường Liên minh châu Âu (EU) để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn như có sự gia tăng đột biến, vượt quá năng lực sản xuất, hoặc có dấu hiệu bất thường để áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tránh trường hợp khi EU phát hiện gian lận sẽ áp dụng biện pháp về thuế đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

“Hiện Việt Nam thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do. Hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại chưa có hiệp định thương mại tự do với một số đối tác. Ví dụ Trung Quốc không tham gia Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc chưa có hiệp định tự do với một số đối tác lớn. Trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc bị áp mức thuế rất cao, qua kiểm soát, hải quan phát hiện số doanh nghiệp lợi dụng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước khác. Các vụ việc đã được hải quan ngăn chặn kịp thời”, ông Âu Anh Tuấn nói.

Theo ông Âu Anh Tuấn, ngày 15/6, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Thông tư hướng dẫn các quy tắc xuất xứ cũng như kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi theo các cam kết của EVFTA.

Trong đó quy định rất rõ hình thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi EU và ngược lại; giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm hiệu lực cũng như việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hải quan để hưởng ưu đãi…

Hiệu lực của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Thông tư 11/2020/TT-BCT và Nghị đinh thư số 1 của Hiệp đinh quy định rõ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực một năm kể từ ngày phát hành và phải nộp cho hải quan trong thời gian hiệu lực. Quy định này cũng tương đồng các hiệp định khác mà Việt Nam đã tham gia.

“Tại Điều 27 Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định rất cụ thể nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi. Để hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho hải quan nước thành viên nhập khẩu phù hợp quy định của nước thành viên đó. Hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh”, ông Âu Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện đã được quy định tại Thông tư /2018/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 62/2019/TT-BTC, gần đây nhất Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2020/TT-BTC hướng dẫn về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cũng như hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong giai đoạn dịch COVID-19.

 “Theo đó, với tờ khai đăng ký trong giai đoạn hiện nay cho phép doanh nghiệp nộp trong thời hạn hiệu lực, có nghĩa là tại thời điểm đăng ký tờ khai doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do vướng vấn đề cách ly xã hội thì doanh nghiệp có thể nộp trong thời hạn hiệu lực. Có nghĩa là không chỉ giới hạn trong 30 ngày mà trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa”, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan nói.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng, với một lộ trình cắt giảm thuế cụ thể ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, hải quan cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, hoàn thiện thể chế pháp luật về hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của các doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Minh Phương/Báo Tin tức
Thủy sản, da giày chuẩn bị vào 'sân chơi' EVFTA
Thủy sản, da giày chuẩn bị vào 'sân chơi' EVFTA

Nhiều doanh nghiệp thủy sản, da giày đang đặt kỳ vọng vào những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong vòng 1 tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN