Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều biến động với triển vọng lãi suất thời gian tới vẫn là yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư.
Cụ thể, kỳ vọng vào dự báo lạm phát sẽ tăng chậm lại đã đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần (13/2) đi lên. Fed từng phát tín hiệu rằng họ muốn áp lực về giá giảm bớt trước khi thu hẹp chiến dịch tăng lãi suất.
Tuy nhiên, thị trường phản ứng không mấy tích cực trong phiên 14/2. Nguyên nhân là do Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát quan trọng, "rơi" từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ xuống còn 6,4% trong tháng 1/2023, nhưng con số này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách. Điều đó có nghĩa là lạm phát đã có sự giảm tốc, song tỷ lệ này không đủ thấp để Fed nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thị trường chứng khoán Phố Wall đi lên trong phiên giao dịch 15/2, sau khi nền kinh tế Mỹ chứng kiến dữ liệu doanh số bán lẻ tốt hơn mong đợi, đưa ra bằng chứng về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sang phiên 16/2, các chỉ số quay đầu giảm trước số liệu cho thấy Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,7% trong tháng Một, cao hơn dự đoán của các nhà phân tích, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm. Các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ có dư địa để tăng lãi suất nhiều hơn trong những tháng tới.
Triển vọng lãi suất cao tiếp tục phủ bóng lên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần (17/2), sau khi xuất hiện hàng loạt phát biểu mang tính "diều hâu" của các quan chức Fed làm dấy lên lo ngại về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai của ngân hàng trung ương.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại St Louis, ông James Bullard đã cảnh báo về những đợt tăng lãi suất tiếp theo. Ông nhận định, đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài chống lại lạm phát và có lẽ Fed sẽ cần tiếp tục thể hiện quyết tâm chống lạm phát khi bước sang năm 2023. Ông cũng không loại trừ khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng Ba.
Trước đó, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland cho rằng lãi suất cần phải tăng mạnh hơn và duy trì trong một thời gian.
Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt được nhiều tiến bộ hơn trong tiến trình kiểm soát lạm phát. Chủ tịch chi nhánh Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin khẳng định ngân hàng trung ương vẫn cần tăng lãi suất, nhưng có thể giữ nguyên mức tăng 25 điểm cơ bản.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 33.826,69 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,3% xuống 4.079,09 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,6% xuống 11.787,27 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 0,3%; S&P 500 giảm 0,1% và Nasdaq tăng 0,6% so với tuần trước.
Khối lượng giao dịch trong phiên này khá hạn chế do thị trường Mỹ sẽ nghỉ lễ trong ngày 20/2.
Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng khoảng 6%, trong khi Nasdaq đã phục hồi khoảng 13% sau khi giảm sâu trong năm 2022. Tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn nhờ kỳ vọng vào kịch bản nền kinh tế có thể "hạ cánh mềm" sau khi các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, lo ngại đang nổi lên rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong vài tháng tới.
Ngân hàng Goldman Sachs và Bank of America dự báo Fed sẽ đưa ra thêm ba lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Thị trường kỳ vọng, ít nhất Fed sẽ tăng lãi suất hai lần nữa và lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh 5,3% vào tháng 7/2023.
Theo Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), không chỉ kỳ vọng vào việc Fed nâng lãi suất đang tăng lên mà các nhà giao dịch cũng đang cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất cao hơn.