“Biện pháp trợ giúp quan trọng nhất, có thể làm ngay là các cơ quan liên quan cần thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ đã được ban hành”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện khó khăn đã bớt đi nhiều so với thời điểm tháng trước, nhưng vẫn còn lớn. “Điều mong muốn của doanh nghiệp lúc này là các gói hỗ trợ như: Giãn, hoãn các khoản phí phải trả; miễn giảm thuế, gói tín dụng ưu đãi cần được thực thi hiệu quả. Nhanh một ngày, doanh nghiệp sống, chậm một ngày có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế rất lớn, doanh nghiệp dừng kinh doanh tăng đột biến. Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, đã có 22.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng nỗ lực, đến thời điểm này, Việt Nam đã tạm kiểm soát được COVID-19 và là quốc gia có tỷ lệ số ca lây nhiễm trên dân số thấp nhất trên thế giới, niềm tin doanh nghiệp đã quay trở lại.
Theo Chủ tịch VCCI, cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2020, VCCI tiếp tục khảo sát lần thứ 2 về thực trạng của doanh nghiệp. Theo đó, có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tất nhiên, thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch, và tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến thu hẹp quy mô cũng cao hơn nhưng trong bối cảnh đại dịch COVID vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì những con số này được xem là đỡ bi đát.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai nhằm giúp người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) nói: “Gói tín dụng 300 nghìn tỷ đồng đang triển khai không phải gói cứu trợ kinh tế trích từ ngân sách Nhà nước - NSNN mà là gói tín dụng thông thường để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể… bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Cơ chế, quy trình cho vay cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ là thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 2,5%/năm”.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 3/2020, 30% gói này đã được giải ngân, tiếp cận tới 47 ngàn khách hàng, trong đó có cả các hộ nông dân.
Ông Trương Gia Bình cho rằng, các ngân hàng triển khai các gói tín dụng hỗ trợ 300 nghìn tỷ đồng không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Do vậy theo VIDA, để vay được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch COVID-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được ngay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với năng lực còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ giai đoạn vượt qua khó khăn, lãnh đạo Công ty Tùng Lâm cho hay: Ngân hàng BIDV vừa giãn thời gian trả nợ; đồng thời giảm lãi suất cho khoản vay đã giúp doanh nghiệp tồn tại để vượt qua thời kỳ khó khăn. BIDV đã có thông báo hỗ trợ lãi suất 1% từ nay đến 31/12.
“Chúng tôi cảm thấy ấm lòng trong thời điểm này”, đại diện doanh nghiệp Tùng Lâm nói. Để hỗ trợ khách hàng, đại diện BIDV cho biết: Ngân hàng vừa nâng gói cho vay cá nhân mùa COVID-19 lên 50.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6%/năm. Đây là gói tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh được triển khai từ ngày 6/5 đến 30/9 thay thế cho gói tín dụng "Kết nối vươn xa" quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai trước đó.
Theo đó, khách hàng được hưởng lãi suất hấp dẫn, các kỳ hạn linh hoạt hơn, phù hợp với từng nhu cầu vay sản xuất kinh doanh. Cụ thể, khách hàng được vay vốn với lãi suất từ 6%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 6,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV đã giải ngân khoảng 35.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm giúp khách hàng cá nhân duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
VPBank cũng vừa công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 (tính đến ngày 4/5) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12 nghìn tỷ đồng tương ứng với hơn 14 nghìn trường hợp, tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33 nghìn tỷ đồng, tương ứng với hơn 22 nghìn hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5% đến 3% mỗi trường hợp...
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, nhất là các doanh nghiệp SME, "tư lệnh" của VCCI đã đề nghị cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình Quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp; đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa, các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Nhà nước kiến tạo cần có các đối tác đồng hành là cộng đồng doanh nghiệp sáng tạo và có trách nhiệm.
“Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn là thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tôi đề nghị, Nhà nước, các bộ, ngành phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt”, TS Vũ Tiến Lộc đề xuất.