Ba phiên đầu tuần, giá vàng trong nước liên tiếp được điều chỉnh giảm. Trong phiên 10/9, kim loại quý đã giảm mạnh và tuột khỏi mốc 42 triệu đồng/lượng. Trong đêm trước 9/9, giá vàng thế giới đã có lúc rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ chủ chốt là 1.500 USD/ounce, do tâm lý ưa thích những tài sản mang tính rủi ro và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên đã lấn át "sự hấp dẫn" của vàng.
Tuy nhiên, giá vàng đã phục hồi phần nào trong phiên ngày 11/9, nhờ đồn đoán các ngân hàng trung ương lớn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi những rủi ro về tăng trưởng toàn cầu vẫn hiện hữu.
Tuy vậy, đà tăng của vàng đã bị hạn chế do các nhà đầu tư tìm đến những tài sản mang tính rủi ro hơn và giữ kim loại quý này ở gần mức thấp của bốn tuần. Giá vàng trong nước theo đó cũng phục hồi trở lại nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng.
Phiên cuối tuần, giá vàng trong nước giảm nhẹ và tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục giảm trong bối cảnh số liệu kinh tế khả quan và kỳ vọng về những diễn biến tích cực trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã đẩy chứng khoán và lợi suất trái phiếu Chính phủ của Mỹ lên các mức cao trong nhiều tuần.
Hôm nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,55 - 41,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Tập đoàn vàng bạc Phú Quý, vàng SJC cũng được niêm yết ở mức 41,5 - 41,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn tại Tập đoàn Doji, vàng SJC trên thị trường Hà Nội cũng được niêm yết ở mức 41,6 - 41,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tính chung cả tuần, thương hiệu vàng SJC đã giảm khoảng 500.000 đồng mỗi lượng. Mặc dù giá vàng giảm nhưng thị trường vẫn hầu như yên ắng bởi các nhà đầu tư chưa mạnh dạn tiếp cận thị trường. Nguyên nhân là do các diễn biến của thị trường thế giới rất khó đoán.
Giá vàng thế giới giảm 1,1% trong tuần giao dịch vừa qua, đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp, giá kim loại quý này đi xuống, khi giới đầu tư đang có xu hướng tìm đến các loại tài sản rủi ro hơn.
Số liệu được công bố ngày 13/9 cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của trường Đại học Michigan tăng từ 89,8 điểm hồi tháng 8 lên 92 điểm trong tháng 9.
Bên cạnh đó, dự trữ thương mại của Mỹ tăng 0,4% trong tháng Bảy, và doanh số bán lẻ cũng tăng 0,4% trong tháng 8, qua đó tiếp tục làm giảm nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu khởi sắc trước những dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các biện pháp kích thích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Giới đầu tư cũng đang đón đợi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào tuần tới. Fed được dự đoán sẽ hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này.