Vì sao tỷ giá tăng?
Tính đến ngày 23/3, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 7 phiên liên tiếp. Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh. Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD đã được điều chỉnh tăng tới hơn 300 đồng so với đầu tuần trước.
Theo giới chuyên gia, diễn biến này bắt nguồn từ thị trường thế giới. Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định, tỷ giá tăng chủ yếu do đồng USD trên thị trường thế giới tăng. Tuy nhiên mức tăng trong nước hiện nhẹ hơn nhiều so với thế giới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm xáo trộn thị trường tài chính toàn cầu, đồng USD đã xác lập mức cao mới trong ba năm qua do nhu cầu mạnh, bất chấp những đợt gia tăng thanh khoản gần đây của ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới.
Trong phiên ngày 23/3, đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu giảm trở lại và những lo ngại về thanh khoản thắt chặt lại giữa lúc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nhiều người đổ xô vào tiền mặt.
Cụ thể, đồng USD tăng 0,96% so với đồng bảng Anh, hướng đến mức tăng mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 1985, giao dịch ở mức 1,1559 USD/bảng. Đồng USD còn chạm mức cao nhất của ba năm so với đồng euro, tăng 0,33% lên 1,0360 USD/euro.
Đồng bạc xanh cũng giao dịch ở mức cao trong nhiều năm so với đồng AUD của Australia và đồng NZD của New Zealand. So với đồng yen của Nhật Bản, đồng USD tăng 0,11% lên 110,92 yen/USD.
Các nhà giao dịch cho hay thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường năng lượng làm gia tăng sức ép trong phiên giao dịch sáng tại châu Á, qua đó đẩy đồng USD lên cao hơn khi nhiều nước áp đặt phong toả trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Các nhà đầu tư cũng đang hy vọng về các biện pháp chi tiêu tài chính lớn để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, song những bất ổn về sự lây lan của dịch COVID-19 có thể sẽ hỗ trợ đồng USD trong tương lai.
Các ngân hàng trung ương lớn đã tăng cường nỗ lực để giảm bớt cuộc khủng hoảng nguồn USD trên toàn cầu, trong khi nhu cầu về đồng USD vẫn cao do dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh.
Ở thị trường trong nước, hôm nay (23/3) tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.259 VND/USD, tăng 7 đồng so với cuối tuần qua. Cuối giờ chiều nay, tỷ giá VND/USD cũng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh. Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD được niêm yết ở mức 23.505 - 23.695 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 135 đồng ở cả chiều mua và bán so với cuối tuần trước.
Có đủ nguồn lực để ổn định tỷ giá
Tính từ đầu năm đến ngày 23/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tổng cộng 109 đồng, tương đương khoảng 0,5%. Theo các chuyên gia, mức tăng này thấp hơn so với tốc độ tăng của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận, việc tỷ giá VND/USD tăng theo biến động thế giới hiện nay là điều bình thường. Mức biến động này vẫn nằm trong mức dự kiến của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, đây là tín hiệu ngắn hạn vì thực tế khi dịch bệnh đi xuống, nền kinh tế trở lại bình thường thì niềm tin của nhà đầu tư sẽ trở lại. Các thị trường hàng hóa sẽ tăng lên như: cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, khi đó nhà đầu tư rút tiền khỏi các kênh trú ẩn để đổ vào các tài sản khác và đồng USD không còn là nơi trú ẩn nữa, tỷ giá sẽ ổn định trở lại.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, về cơ bản Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để ổn định tỷ giá. Lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, cán cân thương mại hiện vẫn cân bằng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
“Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ rất thận trọng trong điều hành và không để tỷ giá tăng cao bởi Việt Nam vẫn đang trong danh sách các nước cần theo dõi về chính sách tiền tệ và ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nói.
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Bùi Quang Tín cũng nhận định, Việt Nam có thế mạnh dự trữ ngoại hối, cung cầu thanh khoản USD vẫn ở trạng thái bình thường. Yếu tố quan trọng nữa là người dân tin tưởng vào VND. Bằng chứng là những năm gần đây người dân đã không tìm đến đầu tư vàng, USD, mà họ giữ VND để gửi tiết kiệm. Do vậy, tỷ giá có biến động so với năm trước nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Từ nay đến cuối năm biến động tỷ giá vẫn theo đúng dự kiến của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng nhận định, với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, cơ quan này hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt.