Tác động khác nhau giữa các nhóm ngành
Đánh giá về tác động tỷ giá đến thị trường chứng khoán, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBankS cho biết, tỷ giá là một trong những yếu tố tác động khá rõ đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt trong trường hợp tỷ giá biến động quá khoảng 2,7 - 3% có thể tạo ra một nhịp điều chỉnh đối với thị trường chứng khoán.
Như ở giai đoạn năm 2022, khi tỷ giá tăng vọt lên mức rất cao cũng đồng thời là một giai đoạn bán rất mạnh của nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Gần nhất, năm 2023 cũng có giai đoạn nửa cuối năm tỷ giá cũng tăng khá cao. Đầu năm nay, tỷ giá cũng tiếp tục trong xu hướng tăng cao trở lại.
Vị chuyên gia cho biết, các yếu tố tác động đến tỷ giá giai đoạn hiện tại đầu tiên vẫn từ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức rất cao, khoảng 500 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang ở mức khá cao, tạo ra nhu cầu nhập khẩu vàng rất lớn; trong đó, có vàng trang sức, vàng nhẫn. Đây cũng là yếu tố khiến nhu cầu USD tăng cao trong thời điểm ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng đến tỷ giá.
Thực tế, việc tỷ giá tăng sẽ có mức tác động rất khác nhau giữa các nhóm ngành và theo từng doanh nghiệp, dựa vào đó nhà đầu tư chứng khoán có thể đưa ra quyết định mua bán phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, nhóm hưởng lợi xu hướng này gồm các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước như cá tra, photpho, cao su và một số doanh nghiệp xuất khẩu khác; các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi từ giá cho thuê thường tính theo USD, nhưng mức hưởng lợi không quá lớn.
Ở chiều ngược lại, các nhóm có nợ vay bằng USD chiếm tỷ trọng cao, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, việc đồng USD tăng giá cũng thúc đẩy xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường chứng khoán cận biên và mới nổi; trong đó có thị trường Việt Nam.
Thực tế, trong tuần qua, khối ngoại đã bán ròng 15.1 tỷ đồng. Đây là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Theo Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect), ông Đinh Quang Hinh, thị trường chứng khoán trải qua một tuần điều chỉnh đáng kể trước lo ngại về rủi ro tỷ giá đang gia tăng.
Cụ thể, trước áp lực chỉ số USD Index (DXY) mạnh lên, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã vượt đỉnh lịch sử và hướng tới mốc 25.000 đồng. Tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng trên 2% chỉ trong vòng 3 tháng. Điều này còn gây quan ngại khi Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hút ròng hơn 170.000 tỷ đồng kể từ ngày 11/3 thông qua kênh OMO, tuy nhiên chưa kìm hãm được đà tăng của tỷ giá. Diễn biến này đã tác động không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và kích hoạt đà bán ra trong tuần vừa qua.
Tuần qua, dưới áp lực bán trong của khối ngoại, nhóm cổ phiếu VN30 có diễn biến kém tích cực với mức giảm 3,02% so với tuần trước. Các cổ piếu ngân hàng ngoại trừ SGB tăng 2,82%, hầu hết đều chịu áp lực điều chỉnh mạnh, thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình như MBB giảm 8,07%, VIB giảm 7,72%, CTG giảm 6,61%, STB giảm 6,33%, TCB giảm 4,94%...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng chịu áp lực bán mạnh, đặc biệt trong phiên cuối tuần sau giai đoạn tăng giá. Theo đó tuần qua, TVB giảm 10,%, ORS giảm 8,31%, AGR giảm 8,07%, VDS giảm 7,73%, VCI giảm 7,62%...
Nhóm cố phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su sau giai đoạn tăng giá khá mạnh, cũng chịu áp lực bán mạnh trong những phiên cuối tuần, thanh khoản gia tăng. Cụ thể, tuần qua SIP giảm 9,89%, DPR giảm 7,16%, SZC giảm 6,48%, SNZ giảm 6,%, KBC giảm 5,58%....
Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản có diễn biến tăng giảm đan xen. Ở chiều tăng giá có NVL tăng 6,09% khi cổ phiếu này được bổ sung vào danh mục cho vay ký quỹ, HAR tăng 11,59%, NTL tăng 8,78%, PXL tăng 6,77%, TCH tăng 5,10%... Ở chiều giảm giá có HPX giảm 8,78%, VPH giảm 6,47%, IJC giảm 5,70%, ITC giảm 5,67%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tăng giá nổi bật trước những thông tin về dự án Lô B Omôn và dầu tăng giá mạnh. Các mã như POS tăng 20,31%, PVC tăng 11,49%, PGS tăng 11,11%, PTV tăng 10,87%, PVS tăng 7,65%, PVB tăng 7,41%...
Sau những biến động mạnh, VN-Index đóng cửa tuần giao dịch tại 1.255,1 điểm, tương đương mức giảm 2,3% so với cuối tuần trước; HNX-Index và UPCOM-Index cũng đồng loạt giảm 1,2% và 1,0% xuống mức 239,7 và 90,7 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, hiện chỉ số VN-Index đang trong quán tính giảm ngắn hạn và có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/-10 điểm).
Theo ông Phạm Bình Phương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), sau khi không thể tăng trở lại vùng đỉnh cũ tại 1.290 điểm, VN-Index đã giảm “dứt khoát” trong 3 phiên liên tiếp, đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho xu hướng ngắn hạn.
“Ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.250 điểm có thể sẽ giúp chỉ số cân bằng hơn trong tuần sau, nhưng để thoát khỏi xu hướng giảm điểm ngắn hạn, VN-Index cần có thời gian ổn định tạo nền”, ông Phương nêu quan điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh những đồn đoán về chính sách tiền tệ của Mỹ "đeo bám" thị trường chứng khoán thế giới tuần qua.
Các “đồn đoán” tập trung vào chính sách của Fed
Chứng khoán Phố Wall đi lên trong phiên 5/4 sau khi các nhà giao dịch nhận được số liệu khả quan về thị trường việc làm của Mỹ. Những lo ngại về giá dầu cao và chính sách tiền tệ đã không tác động đến thị trường trong phiên này.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Mỹ công bố ngày 5/4, hoạt động tuyển dụng của Mỹ đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 3/2024, khi bổ sung thêm 303.000 việc làm.
Tuy nhiên, các thị trường đang nghiêng về dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng Sáu tới, vốn được cho là thời điểm để Fed triển khai đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Những kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường cổ phiếu trong những tháng gần đây.
Theo nhà phân tích chứng khoán hàng đầu Sophie Lund-Yates tại công ty môi giới Hargreaves Lansdown, số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề giảm nhiệt. Điều này không chỉ khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn, mà còn làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.
Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm trong phiên 5/4, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng hơn 1%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên .904,04 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 5.204,34 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,2% lên 16.248,52 điểm.
Chuyên gia Steve Sosnick của Interactive Brokers nhận định rằng thị trường phiên 5/4 phục hồi nhẹ sau đợt bán tháo hôm 4/4 do những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Trung Đông.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cũng trong phiên 5/4, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,8% xuống 7.911,16 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,1% xuống 8.061,31 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 1,2% xuống 18.175,04 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,1% xuống 5.014,75 điểm.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari cho rằng nếu lạm phát tiếp tục chững lại, Fed có thể không cần thực hiện đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay. Tại cuộc họp của Fed vào tháng trước, ông Kashkari đã đề xuất hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin nhận định, Fed cần thời gian để “xua tan mây mù” về lạm phát trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Các quan chức Fed bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn kiên trì với chiến lược cắt giảm lãi suất thận trọng.
Theo công cụ FedWatch của CME, dự báo có 58% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, giảm so với mức khoảng 64% một tuần trước.