Những đồn đoán về chính sách tiền tệ của Mỹ 'đeo bám' thị trường chứng khoán

Chứng khoán Phố Wall đi lên trong phiên 5/4 sau khi các nhà giao dịch nhận được số liệu khả quan về thị trường việc làm của Mỹ.

Chú thích ảnh
Hoạt động giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: Reuters/TTXVN

Những lo ngại về giá dầu cao và chính sách tiền tệ đã không tác động đến thị trường trong phiên này.

Theo số liệu chính thức của chính phủ Mỹ công bố ngày 5/4, hoạt động tuyển dụng của Mỹ đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 3/2024, khi bổ sung thêm 303.000 việc làm.

Tuy nhiên, các thị trường đang nghiêng về dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng Sáu tới, vốn được cho là thời điểm để Fed triển khai đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Những kỳ vọng về việc Mỹ cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy sự phục hồi của thị trường cổ phiếu trong những tháng gần đây.

Theo nhà phân tích chứng khoán hàng đầu Sophie Lund-Yates tại công ty môi giới Hargreaves Lansdown,  số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ không hề giảm nhiệt. Điều này không chỉ khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên khó khăn hơn, mà còn làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm trong phiên 5/4, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng hơn 1%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên .904,04 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 5.204,34 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,2% lên 16.248,52 điểm.

Chuyên gia Steve Sosnick của Interactive Brokers nhận định rằng thị trường phiên 5/4 phục hồi nhẹ sau đợt bán tháo hôm 4/4 do những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Trung Đông.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cũng trong phiên 5/4, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,8% xuống 7.911,16 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,1% xuống 8.061,31 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 1,2% xuống 18.175,04 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,1% xuống 5.014,75 điểm.

Nhìn lại tuần qua, chứng khoán Phố Wall phiên 4/4 đã giảm hơn 1%  giữa lúc nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ. Phiên này, chỉ số S&P 500 đã có mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 13/2, giữa bối cảnh các quan chức Fed có cách tiếp cận thận trọng về triển vọng cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari cho rằng nếu lạm phát tiếp tục chững lại, Fed có thể không cần thực hiện đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay. Tại cuộc họp của Fed vào tháng trước, ông Kashkari đã đề xuất hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, Thomas Barkin, nhận định Fed cần thời gian để “xua tan mây mù” về lạm phát trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Các quan chức Fed bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn kiên trì với chiến lược cắt giảm lãi suất thận trọng.

Chứng khoán Mỹ đã chịu nhiều áp lực trong tuần này sau quý đầu tiên khởi sắc. Ở hai phiên đầu tuần 1-2/4, các chỉ số đều chìm trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại Fed có thể hạ lãi suất muộn hơn dự kiến.

Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường dự báo có 58% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, giảm so với mức khoảng 64% một tuần trước.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)
Thị trường chứng khoán Mỹ chịu sức ép lớn trong phiên 2/4
Thị trường chứng khoán Mỹ chịu sức ép lớn trong phiên 2/4

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 2/4 giảm điểm, khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất muộn hơn dự kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN