Vải thiều giá tăng cao
Huyện Lục Ngạn, Bắc Giang được coi là thủ phủ của vải thiều. Những ngày này, về Lục Ngạn, dọc con đường Quốc lộ 31 từ Phố Kim về thị trấn Chũ luôn nhộn nhịp xe cộ, người mua, người bán nối đuôi nhau.
Vừa cân xong 3 sọt vải, quệt vội những giọt mồ hôi trên gương mặt, anh Hoàng Văn Chương, thôn Áp, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn không giấu nổi niềm vui. Anh Chương cho biết, anh vừa cân xong 6 tạ vải với giá 57.000 đồng/kg, cao gấp ba lần so với năm ngoái. Nếu giá cứ giữ được như này thì với 170 cây vải với sản lượng khoảng 7 tấn thì năm nay gia đình anh sẽ thu về khoảng gần 400 triệu đồng.
Năm nay, diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì trên 28.000 ha với sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Sản lượng vải thiều chính vụ khoảng 22.000 ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 13.800 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha. Đáng chú ý, năm nay huyện Lục Ngạn có 20 ha vải thiều sản xuất theo mô hình vải hữu cơ.
Trong những ngày gần đây, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra rất sôi động. Tỉnh có trên 500 điểm cân thu mua vải thiều với gần 1.000 thương nhân; trong đó, có gần 200 thương nhân Trung Quốc thường xuyên có mặt tại các địa phương thu mua vải thiều. Chất lượng và mẫu mã quả vải tốt lên người dân thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Là một thương nhân đã có hơn 15 năm cân vải xuất sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Văn Cánh, chủ điểm cân ngã ba Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho hay, năm nay, chất lượng quả vải thiều tốt hơn nhiều so với mọi năm. Quả to, mẫu mã đẹp, lại không bị sâu cuống nên được thị trường Trung Quốc đánh giá cao. Hiện ông đang thu mua vải với giá bán từ 35.000 - 60.000 đồng/kg, cao gấp từ 2 - 3 lần so với năm ngoái.
Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, với phương châm luôn coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng nên ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Năm nay, dự kiến sản lượng vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ trong nước chiếm 50% và xuất khẩu chiếm 50%.
Ngay từ đầu vụ, cùng với chỉ đạo, giám sát thực hiện nghiêm việc sản xuất vải thiều an toàn theo đúng quy trình, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều ở trong và ngoài nước như: tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tại Thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội năm 2019, cùng nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu khác tại thị trường miền Trung, miền Nam….
Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, với yêu cầu vải xuất khẩu vào quốc gia này phải có tem nhãn ghi đầy đủ thông tin như: tên hàng hóa, nguồn gốc, qui cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng, đồng thời vải phải cắt cuống ngắn không quá 15 cm và không được lẫn lá... Thực hiện quy định này, với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự chủ động của tỉnh Bắc Giang nên người trồng vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện.
“Bắc Giang đã hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện quy trình thủ tục cấp mã số vùng trồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về điều kiện sản xuất quả vải tươi sang Trung Quốc; phương thức đóng gói sản phẩm vải thiều cho các doanh nghiệp; về tem truy xuất nguồn gốc dán trên bao bì sản phẩm. Đến nay, ngoài 18 mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp tại 7 xã, thì Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, với diện tích trên 16.000 ha và 86 cơ sở đóng gói, sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết.
Ông Đinh Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Hùng Thảo, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) cho biết, năm nay, Công ty có kế hoạch thu mua và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn vải, tăng 2.000 tấn so với năm 2018.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nông dân Lục Ngạn vẫn chưa quen thực hiện những yêu cầu đối với mặt hàng này, đơn cử như tỷ lệ lẫn lá, độ dài cuống quả… Công ty tốn rất nhiều thời gian, công sức để sơ chế lại. Đề nghị chính quyền và các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định để người sản xuất tuân thủ nghiêm túc, hướng tới xuất khẩu hàng hóa đạt tiêu chuẩn, giá trị cao hơn.
Năm nay, chất lượng quả vải thiều tại Bắc Giang được đánh giá là cao quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia. Đặc biệt, năm 2018 vải thiều Bắc Giang được Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á chính thức xác nhận nằm trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục của khu vực Đông Nam Á và đã được xuất khẩu sang gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
"Ngoài hai thị trường trong nước và Trung Quốc, chúng tôi cũng đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khó tính hơn như mời gọi doanh nghiệp làm xuất khẩu vào để tạo thành các liên kết chuỗi với các hộ sản xuất, các hợp tác xã trồng vải; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khâu bảo quản và chế biến quả vải thiều. Đây là hướng đi Bắc Giang đang hướng tới trong những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết thêm.