Vàng hướng tới tuần tăng giá đầu tiên trong 4 tuần

Giá vàng châu Á tăng trong phiên 14/6 và đang hướng tới tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần, do số liệu kinh tế mới của Mỹ cho thấy sức ép giá giảm bớt, qua đó củng cố tâm lý lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Vàng được trữ tại một ngân hàng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Khoảng 13 giờ 54 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.311,39 USD/ounce. Kim loại quý này đã tăng 0,5% giá trị trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,4% lên 2.326,40 USD/ounce.

Nhà phân tích hàng hóa của ANZ, bà Soni Kumari, cho biết thị trường đang cố gắng tìm kiếm manh mối từ những bình luận của các quan chức Fed. Nhìn chung, thị trường dự đoán sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, vì các số liệu cho thấy lạm phát đang giảm và đi theo hướng mong muốn của Fed.

Dữ liệu công bố ngày 13/6 cho thấy giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 5/2024, một dấu hiệu khác cho thấy lạm phát đang giảm. Thông tin này tạo thêm niềm tin rằng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.

Số liệu trên được công bố sau báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn dự kiến, được công bố ngay trước cuộc họp của Fed ngày 12/6. Tại cuộc họp này, Fed đã lùi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất sang tháng 12/2024.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang thấy 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, so với 63% trước khi có dữ liệu về giá sản xuất.

Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 29,02 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,2% lên 957,75 USD/ounce và giá palladium tăng 0,6% lên 888,52 USD/ounce.

Tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chứng khoán châu Á đi ngược chiều sau quyết định của BoJ

Thị trường chứng khoán châu Á đã có những phản ứng trái chiều sau quyết định của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), với các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc triển vọng lãi suất của Mỹ khi dữ liệu cho thấy lạm phát có xu hướng đi xuống, ngay cả khi Fed hạ dự báo về số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Chứng khoán Tokyo đã tăng sau quyết định của BoJ, với chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2% lên .814,56 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,6% xuống 18.008,35 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải nhích nhẹ 0,1% lên 3.032,63 điểm.

Tại các thị trường khác, chứng khoán Sydney, Singapore, Wellington, Manila, Bangkok và Jakarta đều giảm, trong khi chứng khoán Seoul, Đài Bắc và Mumbai tăng.

Như dự đoán của thị trường, BoJ cho biết sẽ giảm hoạt động mua trái phiếu, vốn được dùng để giữ lãi suất vay thấp nhằm kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch này tại cuộc họp tháng 7 tới.

BoJ đã cân nhắc động thái tiếp theo để bình thường hóa chính sách tiền tệ sau nhiều năm duy trì chi phí vay ở mức thấp, đáng chú ý nhất là việc nâng lãi suất từ vùng âm lên dương vào tháng 3/2024, lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm.

Thông báo của BoJ được đưa ra sau khi Fed trong tuần này hạ dự báo lãi suất trong năm nay xuống còn một lần, so với ba lần dự báo hồi tháng 3/2024.

Sau quyết định của BoJ, đồng yen đã giảm xuống hơn 158 yen/USD, so với mức khoảng 157,20 yen/USD trước đó. Song triển vọng lãi vay thấp hơn đã đẩy chỉ số chứng khoán Nikkei 225 lên cao.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 21,60 điểm (1,66%) xuống 1.279,91 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 4,39 điểm (1,77%) xuống 243,97 điểm.

Dầu hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất trong 2 tháng

Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên 14/6 trong bối cảnh thị trường đánh giá tác động của việc lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, dầu thô vẫn hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất hơn 2 tháng qua nhờ những dự báo tích cực về nhu cầu dầu và nhiên liệu.

Khoảng 13 giờ 46 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 42 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 82,33 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 51 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống mức 78,11 USD/thùng.

Mặc dù vậy, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 3% trong tuần này. Đây là tuần tăng giá mạnh nhất kể từ ngày 5/4.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng tương đối mạnh trong năm 2024 và Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu nhiên liệu của Mỹ sẽ ổn định trong mùa Hè năm nay.

Những yếu tố này đã giúp đảo ngược đà giảm giá của tuần trước, do thỏa thuận của OPEC và các nước sản xuất đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ về việc bắt đầu giảm sản lượng háng 9/2024 gây ra.

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade tại Australia, nhận định nhìn chung, đây có thể được coi là một tuần phục hồi đối với thị trường dầu mỏ. Sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu tiếp tục tăng cao hơn khi triển vọng nhu cầu vẫn sáng sủa. Diễn biến nhu cầu dầu mỏ của Bắc bán cầu trong mùa Hè sẽ đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, việc Nga cam kết đáp ứng các nghĩa vụ sản xuất theo thỏa thuận OPEC+, sau khi thừa nhận đã vượt hạn ngạch sản xuất trong tháng 5/2024, cũng giúp củng cố thêm cho thị trường.

Tuy nhiên, đà tăng giá của dầu trong tuần này đã giảm bớt sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và lùi thời điểm bắt đầu giảm lãi suất sang tháng 12.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029, sau đó đi ngang ở mức khoảng 106 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ.

Thị trường cũng đang tập trung vào các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra ở Gaza. Nếu được giải quyết, những cuộc đàm phán này sẽ giảm bớt lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này.

Minh Hằng (TTXVN)
Các thị trường châu Á biến động trái chiều sau cuộc họp của Fed
Các thị trường châu Á biến động trái chiều sau cuộc họp của Fed

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch ngày 13/6, giữa bối cảnh giới đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ lùi việc cắt giảm lãi suất đến tháng 12 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN