Theo chiến lược gia Georgette Boele từ ABN Amro, hiện giá vàng có xu hướng nhạy cảm hơn đối với chỉ số đồng NDT, bởi vậy nếu đồng USD có tăng giá ,nhưng không mạnh lên so với đồng NDT thì vàng vẫn giữ ổn định.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc bật tăng lên mức cao nhất hơn hai năm qua khi giới đầu tư đặt kỳ vọng vào kế hoạch chi tiêu mới của chính phủ.
Vào lúc 00 giờ phút ngày 8/8 giờ Việt Nam (17 giờ phút giờ GMT ngày 7/8), giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.210,06 USD/ounce. Còn giá vàng giao tháng 12/2018 cũng tiến 60 xu Mỹ (0,1%), lên 1.218,30 USD/ounce.
Chứng khoán toàn cầu cũng khởi sắc trong phiên này nhờ đà đi lên tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, cũng như nhóm cổ phiếu dầu mỏ và khai khoáng tại châu Âu đồng loạt đi lên sau khi Mỹ chính thức tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo đó, nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại vào ngày 7/8 là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.
Giới đầu tư hy vọng nhu cầu vàng của Iran sẽ tăng trong thời gian tới khi nước này sử dụng vàng để thực hiện các giao dịch trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, xu hướng đồng USD mạnh lên và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất có thể sẽ chặn đứng hy vọng này.
Cùng ngày, giá bạc tăng 0,7%, lên 15,37 USD/ounce, giá palladium tăng 0,3%, lên 906,55 USD/ounce, còn giá bạch kim tiến 0,6%, lên 825,74 USD/ounce.
Giá dầu thế giới đi lên trong phiên ngày 7/8 sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên hàng hóa Iran có hiệu lực, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của nước này, dự kiến vào tháng 11 tới, có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 90 xu Mỹ (1,2%) lên 74,65 USD/thùng, sau khi leo lên mức cao trong phiên là 74,90 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 16 xu Mỹ (0,2%) lên 69,17 USD/thùng, sau khi đạt mức cao 69,83 USD/thùng trước đó.
Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, thành viên Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), từ ngày 7/8. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này chưa được áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Iran, nước đã xuất khẩu gần 3 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng Bảy.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào hoạt động thu mua đồng USD, giao dịch kim loại, than, phần mềm công nghiệp và lĩnh vực ô tô của Iran. Lĩnh vực năng lượng của Tehran dự kiến sẽ là mục tiêu tiếp theo bị Mỹ trừng phạt sau thời hạn 180 ngày ( kết thúc vào ngày 4/11).
Nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã phản đối các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran, song Washington nói rằng họ muốn nhiều nước ngừng mua dầu Iran. Thủ tướng Iraq, Haider al-Abadi, cũng bày tỏ sự không đồng tình với động thái này của Mỹ, song nước này vẫn sẽ tuân thủ nhằm bảo vệ lợi ích đất nước.
Cùng với những căng thẳng địa chính trị mà có thể tác động đến sản lượng dầu thô Iran, các nhà giao dịch cũng đang theo dõi sát sao đến lượng dầu dự trữ của Mỹ, mà theo dự báo giảm 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/8.
Hai nguồn tin thuộc OPEC ngày 3/8 cho hay sản lượng dầu thô của Saudi Arabia đã giảm khoảng 200.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, bất chấp cam kết tăng sản lượng từ tháng Bảy của nước này và Nga, trong đó Saudi Arabia hứa hẹn một “mức tăng nguồn cung đáng kể”.
Trong khi đó, theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA), sản lượng dầu thô của nước này, vốn tăng đột biến nhờ sản lượng dầu khí đá phiến, có thể tăng chậm lại do giá giảm. Sản lượng dự kiến chỉ tăng 1,31 triệu thùng/ngày lên 10, triệu thùng/ngày trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo tăng 1,44 triệu thùng/ngày lên 10,79 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước.
Linda Capuano, người đứng đầu EIA, cho hay có khả năng giá dầu Brent giao ngay sẽ giảm xuống 70 USD/thùng vào cuối năm 2018 khi thị trường tương đối cân bằng trong vài tháng tới.