Vào lúc 14 giờ 28 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.260,92 USD/ounce. Giá vàng giao ngay đã tăng hơn 1% trong phiên trước, lên 1.266,4 USD/ounce ngày 20/12, mức cao nhất kể từ ngày 26/6. Tính chung cả tuần, giá vàng giao ngay đã tăng khoảng 1,9%. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,3% xuống 1.263,7 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 21/12.
Nhà phân tích Lukman Otunuga thuộc hãng nghiên cứu thị trường FXTM nhận định, đồng USD yếu cùng với những đồn đoán về khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) có ít đợt tăng lãi suất hơn trong năm 2019 là những yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng của giá vàng.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,34%, xuống 769,14 tấn trong phiên 20/12.
Giá palladium phiên này mất 1% xuống 1.251,99 USD/ounce. Tuy nhiên tính chung cả tuần giá palladium đã tăng khoảng 2%. Trong khi đó, giá bạc giảm nhẹ xuống còn 14,76 USD/ounce nhưn vẫn tăng hơn 1% trong tuần này. Còn giá bạch kim tăng 0,2% lên 795,10 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu châu Á tăng nhẹ trước khả năng OPEC giảm sản lượng mạnh hơn dự kiến.
Theo đó, trong phiên giao dịch chiều ngày 21/12, giá dầu châu Á tăng nhẹ sau khi giảm 5% trong phiên trước đó, trước những tín hiệu cho thấy kế hoạch cắt giảm sản lượng dự kiến được thực hiện vào tháng tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ mạnh hơn dự kiến.
Tại thị trường Singapore vào lúc 12 giờ 48 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 33 xu Mỹ (0,7%) lên 46,22 USD/thùng. Giá dầu Brent giao kỳ hạn cũng tăng 27 xu Mỹ (0,5%), xuống 54,62 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI đã giảm hơn 2,89 USD/thùng trong phiên trước đó. Giá dầu thô giảm cùng xu thế của các thị trường chứng khoản chủ chốt giữa lúc giới nhà đầu tư lo lắng về "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo vừa cho biết, khối này có kế hoạch công bố các hạn ngạch cắt giảm sản lượng chi tiết cho các thành viên cũng như các đối tác như Nga, trong một nỗ lực nhằm vực dậy giá dầu. Theo ông Barkindo, để đạt được mức mục tiêu cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày thì mức giảm hiệu quả của các nước thành viên OPEC phải là 3,02%.
Con số này cao hơn nhiều so với mức đề xuất ban đầu là 2,5% khi OPEC tìm cách thỏa hiệp với Iran, Libya và Venezuela - những nhà sản xuất được miễn yêu cầu cắt giảm sản lượng.