Trong khi đó, mức thâm hụt ngân sách ngày càng cao của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn phải được chi trả bằng các khoản nợ trong tương lai, khiến chỉ số đồng USD hướng tới tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2011.
USD giảm tốc
Trước đó, trong tháng 3/2020, đồng tiền dự trữ thế giới này đã tăng vọt lên mức cao nhất của hơn ba năm khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan sang Mỹ. Tuy nhiên, khi cả thế giới quay về "trạng thái bình thường mới", đồng tiền này đã nhanh chóng giảm xuống mức thấp nhất của hai năm.
Các chuyên gia phân tích chiến lược cho rằng sự trượt giá của đồng USD xuất hiện khi Mỹ tỏ ra "yếu thế" trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, một số chuyên gia cũng cho rằng đà phục hồi kinh tế của nước này đang hụt hơi so với các khu vực khác của thế giới, bao gồm cả châu Âu. Có thể nói, sự đảo chiều của đồng bạc xanh là kết quả của xu hướng gia tăng thâm hụt ngân sách và môi trường lãi suất cực thấp của nước Mỹ.
Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại Bannockburn Global Forex, cho biết tâm lý dè chừng đối với đồng USD đang được nhân rộng, không chỉ ở các quốc gia mà còn ở những đối tượng tham gia thị trường khác, như các nhà quản lý tài sản, các nhà đầu cơ hay các tổ chức tài chính.
Kể từ đầu tháng 7/2020, đồng USD đã để mất 4,9% so với đồng euro, sau khi có một số thông tin cho rằng nền kinh tế Liên minh châu Âu sẽ vượt trội so với kinh tế Mỹ. Đồng bạc xanh trong cùng thời kỳ đó đã giảm 2,5% so với đồng yen, 6,4% so với đồng krona của Thụy Điển và 4% so với đồng đô la New Zealand. Tại các thị trường mới nổi, đồng real của Brazil đã tăng hơn 6% và đồng peso Mexico tăng 4,9% so với đồng USD. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ Trung Quốc chỉ tăng khoảng 1% so với đồng USD.
Chỉ số đồng USD, thể hiện tương quan giữa đồng tiền của Mỹ so với rổ tiền tệ, đã giảm 3,77% trong tháng Bảy, qua đó ghi dấu mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2011, với mức giảm 3,85%.
Jens Nordvig, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng đầu tư Exante, cho biết đồng USD đã mạnh lên trong sáu năm qua và giờ là lúc đồng tiền này bắt đầu điều chỉnh. Chuyên gia này hy vọng tỷ giá giữa đồng euro và USD sẽ đạt ngưỡng 1,20 USD đổi 1 euro trong thời gian tới và sau đó quay về ngưỡng 1,30 - 1,35 USD/euro.
Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của nước Mỹ đang lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thâm hụt ngân sách liên bang hiện được ước tính ở ngưỡng cao kỷ lục 2.700 tỷ USD trong chín tháng đầu của tài khóa 2020, khi Washington phải đối phó với virus SARS-CoV-2. Xu hướng này có thể tiếp diễn trong tương lai, giữa bối cảnh “núi nợ” của nước Mỹ ngày một lớn, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đẩy mạnh mua vào trái phiếu chính phủ và các tài sản khác trong môi trường lãi suất được duy trì ở mức gần bằng 0.
CEO Jens Nordvig nói: “Đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra và một số quốc gia đang làm tốt hơn những quốc gia khác. Trong đó, Mỹ là một trong những quốc gia ứng phó tồi tệ nhất với virus SARS-CoV-2, cùng với Brazil”. Chuyên gia này cho rằng không kiểm soát được virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Mỹ không thể hoạt động bình thường, dẫn đến những thất bại tiềm ẩn và một nền kinh tế đình trệ hơn.
Cùng với đó, chuyên gia Nordvig cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đối với kinh tế Mỹ. Khi tất cả các gói kích thích được áp dụng trên toàn cầu đều hướng về việc kéo nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, “điểm bùng phát” đang đến rất gần.
Thị trường vàng hưởng lợi
Trong khi đó, những mất mát trên thị trường tiền tệ lại là động lực cho thị trường vàng. Kim loại quý này đã tăng lên mức cao 1.941,90 USD/ounce hôm 27/7, ghi dấu mức tăng 7,2% tính đến thời điểm đó của tháng 7. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8/2020 cũng tăng 1,8% lên mức kỷ lục 1.931,50 USD/ounce, một phần nhờ vào những biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương, lo ngại lạm phát và đồng USD mất giá. Sang phiên 28/7 giá vàng đã leo lên mức chưa từng có 1.980,57 USD/ounce.
Vàng đang chuyển động cùng chiều với chứng khoán. Chỉ số S&P 500 đã tăng 4,2% trong tháng 7/2020. Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty đa quốc gia cũng được hưởng lợi khi đồng USD suy yếu, khiến chi phí hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trở nên rẻ hơn. Chiến lược gia Marc Chandler nói: “Đối với tôi, các thị trường USD, vàng và chứng khoán có liên kết với nhau, trong khi ba thị trường này đều chịu ảnh hưởng từ môi trường lãi suất Mỹ”.
Hiện tại, lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tại Mỹ đang được giao dịch dưới ngưỡng 0,60%, song nếu trừ đi lạm phát, lợi tức này là âm. Điều đó có nghĩa là Washington đang đánh mất lợi thế về lãi suất, khiến giới đầu tư không còn nhiều lựa chọn ngoài vàng và chứng khoán.
Ngoài ra, khi thời điểm bầu cử Tổng thống đến dần, những đồn đoán xung quanh khả năng chiến thắng của đảng Dân chủ cũng có thể là yếu tố tiêu cực đối với chuyển động của đồng USD vì giới chuyên gia lo ngại về một kịch bản đánh thuế cao hơn của chính phủ. Mặc dù vậy, chuyên gia Chandler cho rằng đây vẫn là chuyện của tương lai.
Trong khi đó theo CEO Jens Nordvig, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng kể cả khi đồng USD sụt giảm. Tuy nhiên, nếu sự sụt giảm rất mạnh và khiến giới đầu tư chuyển hướng sang các thị trường nước ngoài, chứng khoán Mỹ sẽ bị tổn thương.