Tại thời điểm 9 giờ 26 phút, VN – Index tăng 16,13 điểm (2,1%) lên hơn 785 điểm). Toàn sàn có tới 228 mã tăng, trong khi chỉ có 46 mã giảm giá và 33 mã đứng giá.
HNX – Index tăng 1,4 điểm (1,31%) lên hơn 108 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, trong khi chỉ có 29 mã giảm giá và 35 mã đứng ở giá tham chiếu.
Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số VN – Index) cả 30 mã đều tăng giá; trong đó, tăng mạnh có thể kể đến như: VRE, VHM, VIC, HPG.
Toàn bộ các mã cổ phiếu ngân hàng cũng đều ở chiều tăng giá. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng mạnh mẽ với GAS tăng tới hơn 3%, PLX tăng 1,8%, các mã PVD, PVS và PVC có mức tăng từ 2 – 6%.
Cập nhật diễn biến phòng chống dịch COVID-19, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, đến 6 giờ ngày 23/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mới mắc COVID-19.
Như vậy từ ngày 17/4 đến ngày 23/4, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới, giữ nguyên con số 2 ca mắc cách đây 7 ngày
Nhận định về thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, dòng tiền đổ vào thị trường vẫn đang duy trì tích cực, các cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế. Do vậy, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn cho riêng mình hoặc có thể lướt sóng theo từng nhịp trong tình hình thị trường vẫn đang còn nhiều lạc quan.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong phiên giao dịch ngày 22/4, sau hai phiên giảm điểm liên tiếp nhờ đà tăng trở lại của giá dầu thế giới.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2%, lên 23.469,58 điểm, chỉ số S&P 500 cũng tiến 2,3%, lên 2.798,70 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,8%, đóng cửa ở mức 8.495, điểm.
Xu hướng tích cực của Phố Wall diễn ra sau khi giá dầu ngọt nhẹ chuẩn Tây Texas (WTI) của Mỹ giao tháng 6/2020 tăng 19%, lên 13,78 USD/thùng, sau khi giá dầu này đã rơi vào vùng âm lần đầu tiên trong lịch sử vào phiên giao dịch 20/4.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích vẫn đánh giá thị trường dầu mỏ ở trạng thái dễ bị tổn thương do lượng dầu tồn kho của Mỹ đang ở mức gần tương đương với sức chứa tối đa.
Sự bất ổn trên thị trường dầu mỏ là nhân tố chính gây áp lực giảm trên thị trường chứng khoán trong hai ngày qua, giữa bối cảnh mối lo ngại về sự sụp đổ của ngành dầu mỏ và bức tranh kinh tế vĩ mô suy yếu khiến mức tiêu thụ xăng dầu càng sụt giảm.
Phần lớn các nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an do không chắc chắn khi nào nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã "thắng" lớn trong phiên này, với cổ phiếu của Facebook tăng 6,7%, Alphabet - công ty mẹ của Google - tăng 3,9% và Apple tăng 2,9%.