Ngành bán lẻ trong nước đang được các chuyên gia thương mại nhận định: Kênh bán hàng truyền thống đang dần bị thay thế bằng kênh thương mại điện tử (TMĐT); nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các “đại gia” nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cũng như sự thâm nhập của nhiều doanh nghiệp TMĐT lớn trên thế giới. Các thương vụ M&A lớn của các Tập đoàn Central Group và TTC của Thái Lan đối với hệ thống bán lẻ Metro, Big C, Nguyễn Kim; Vingroup đối với Fivimart và Shop & Go; Saigon Coop với Auchan… là những ví dụ điển hình trên thị trường Việt Nam gần đây.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay: Những doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ hiện nay chắc chắn sẽ hình thành những tập đoàn bán lẻ lớn dẫn dắt thị trường bán lẻ Việt Nam. Còn những doanh nghệp nhỏ quản trị kém, thiếu tính chuyên nghiệp, làm ăn thua lỗ, tất yếu sẽ dẫn tới bị thôn tính, sáp nhập và phá sản, mất thương hiệu trên thị trường. Điều này cho thấy cuộc đua kinh doanh thời 4.0 ngày càng khốc liệt.
Theo bà Đặng Thúy Hà, để phát triển hiệu quả, có doanh nghiệp bán hàng tập trung vào online (bán hàng qua mạng), có người tập trung vào offline (bán hàng qua hợp tác, mua bán trực tiếp tại cửa hàng). Xu hướng này cũng đã phát triển hiệu quả ở Hàn Quốc, Trung Quốc. “Sự cạnh tranh luôn là tốt, đòi hỏi các bên mới phải thay đổi, kể cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải lấy cơ hội này để thay đổi mình, làm sao phục vụ khách hàng tốt nhất”, bà Đặng Thuý Hà nói.
Trong sự bùng nổ của TMĐT, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đang có xu hướng bán lẻ hình thành từ cách mạng công nghiệp 4.0 như: Xu hướng tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách hàng hình thành những trung tâm mua sắm, giải trí… sử dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động của người sử dụng để phục vụ; xu hướng xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền được các tập đoàn bán lẻ nhắm tới vừa quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí vận chuyển tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, xu hướng bán hàng đa kênh còn do 70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động với sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số và trí tuệ nhân tạo Al, Bi Data…
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ: Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt quy mô khoảng 4,4 triệu tỷ đồng (tương đương với 190 tỷ USD), với mức tăng trưởng 11,7% so với năm 2017. Cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như: Bán hàng trực tuyến, bán hàng đa kênh (omni channel)...
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại, bán hàng trực tuyến, các kênh bán lẻ truyền thống nước ta cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn. "Bộ Công Thương xác định, tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối là yêu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, cần phát triển cân bằng giữa các kênh hiện đại và truyền thống", ông Trần Duy Đông nói. Có ý kiến cho rằng: Nếu như chỉ giữ kênh truyền thống thì các nhà bán lẻ sẽ bị giới hạn bởi không gian địa lý và bị mất đi đối tượng khách hàng sinh ra ở thời kỳ bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh.
Trong giai đoạn tới, để ngành phân phối nước ta phát triển mạnh mẽ và hài hòa hơn, đại diện Bộ Công thương cho hay cần giải quyết 4 vấn đề. Thứ nhất, giải quyết sự mâu thuẫn của phân phối hiện đại và phân phối truyền thống. Thứ hai, giải quyết sự phát triển hài hòa giữa sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp FDI với hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ ba, phát triển hài hòa giữa kinh doanh trực tuyến và phi trực tuyến. Thứ tư, giải quyết mâu thuẫn cũng như yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đó là tổ chức tiêu thụ hàng hóa trong một đất nước phần lớn là nông nghiệp và đi lên từ nông nghiệp.