Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngành vẫn còn những tồn tại chưa thể giải quyết dứt điểm như tình trạng phá rừng dù đã giảm nhưng vẫn thiệt hại trên 1.000 ha. Nhiệm vụ trồng rừng thay thế còn rất chậm, mới đạt 60%, trong khi phải hoàn thành năm 2016.
Khu rừng trồng keo lai mô của Công ty lâm nghiệp Hàm Yên. Ảnh: Văn Tý/TTXVN |
Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu các đơn vị phải chủ động tập trung cao độ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất lâm nghiệp, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của cả năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,6%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản phải đạt 7,5 tỷ USD trở lên.
Đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo Quyết định 886/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành tốt dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cùng với đó là các nghị định.
Việc trồng rừng thay thế phải có ngay phương án cụ thể, nhất là 72% diện tích rừng trồng thay thế thuộc dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng sử dụng vốn ngân sách nhưng nay không có.
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng 5,29%. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 3,772 tỷ USD, tăng 425 triệu USD so với cùng kỳ năm 2016 (tương ứng 12,7%).
Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 8,9 triệu m3. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào các thị trường nước ngoài. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ.
Triển khai Đề án Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, đến nay, đã có 4 mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Trị.
Đặc biệt, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát văn kiện trình trưởng đoàn ký kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã trồng 40.612 ha rừng thay thế, đạt 60 % tổng diện tích phải trồng; trong đó các dự án chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện đạt 92%; dự án chuyển sang mục đích kinh doanh, đạt 65%, dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng đạt 28%.