Tính trong 10 tháng, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm 66,8% thị phần, đạt 2,08 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 124,6 triệu USD (chiếm 4%), tăng 10,7%; Hàn Quốc đạt 107,4 triệu USD (chiếm 3,4%), tăng 12,3%; Nhật Bản đạt 100,7 triệu USD (chiếm 3,2%), tăng 12,6%... Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào gấp trên 5 lần, Hà Lan tăng 37%...
Xuất khẩu hàng rau quả giảm do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính giảm như: thanh long chiếm 31% tỷ trọng xuất khẩu đã giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là sầu riêng chiếm 7%, giảm 17,4%; măng cụt chiếm 5,4%, giảm 1%; dừa chiếm 3,5%, giảm 35%; nhãn giảm 56%; dưa hấu giảm 26,4%; khoai lang giảm 43,6%…
Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2019 đạt 123 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 11 tháng năm 2019 đạt 1,63 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2018. Thái Lan là thị trường Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất, chiếm gần 30%, nhưng giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Trung Quốc chiếm 25,6%, tăng 10%; Hoa Kỳ chiếm 15,5%, tăng 54%; Australia tăng 4%...
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, mặc dù giá trị xuất khẩu rau quả sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan… tăng mạnh nhưng khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc, bởi 66,8% giá trị xuất khẩu được tạo nên bởi thị trường này.
Để nắm bắt cơ hội, ngoài việc cần đẩy nhanh việc đăng kí mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp và người trồng cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường châu Âu cũng như các thị trường khó tính khác. Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu, đồng thời tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực xuất khẩu.
Về tình hình thị trường trong nước, tháng 11 là thời điểm thu hoạch xong vụ sầu riêng năm 2019 tại Đắk Lắk. Tuy nhiên so với những năm trước, giá sầu riêng năm nay đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính là từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động nhập khẩu, trong khi đó sầu riêng là mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch. Năm nay, giá sầu riêng đầu vụ được thương lái thu mua ở mức 40.000 đồng/kg, đến cuối vụ giá mới được 55.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá chanh leo có xu hướng đi xuống, hiện dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận từ đầu vụ chong đèn nghịch mùa 2019 đến nay luôn ở dưới mức 10.000 đồng/kg. Cao điểm từ đầu tháng đến nay, giá chỉ còn ở mức 5.000 - 7.000 đồng/kg. Không chỉ các hộ nông dân có thanh long đang chín mà những hộ đang chong đèn đón lứa bán vụ Tết Nguyên đán cũng đang trong tâm lý lo ngại. Chính vì vậy, hơn 1 tháng qua, nhiều chủ vựa thay vì đóng hàng đi xuất khẩu thì đã phải lựa chọn thị trường trong nước để tiêu thụ.
Giá mít Thái tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 50% so với tháng 10 và đang ở mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua. Tại Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang, mít loại 1 (từ 9 kg/quả trở lên) có giá 20.000 - 21.000 đồng/kg. Giá mít Thái giảm chủ yếu do nguồn cung tăng, nông dân tăng diện tích trồng. Trong khi đó, tiểu thương và vựa thu mua trái cây giảm thu mua mít Thái vì đầu ra xuất khẩu chậm so với trước, nhất là xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Dù vậy, nhìn chung giá mít Thái vẫn còn ở mức tương đối tốt, người trồng mít vẫn đảm bảo có lãi.