Tính trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,1% thị phần, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 428,04 triệu USD. Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Australia tăng 51,6%; Lào tăng 47,1%; Hà Lan tăng 42,1%; Hàn Quốc tăng 41,7%...).
Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 3 đạt 113 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2019 đạt 394 triệu USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Lý giải nguyên nhân giá trị xuất khẩu rau, quả trong Quý I giảm, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thời gian qua, thị trường nhập khẩu rau, quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong việc "siết" chặt các quy định nhập khẩu rau quả vào nước này. Sắp tới, từ 1/5 Trung Quốc sẽ có yêu cầu về việc gắn tem mác, vật lót, bao bì đối với các loại nông sản nhập khẩu nhằm tránh tình trạng côn trùng gây hại cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, hiện Cục Bảo vệ Thực vật đang tích cực thực hiện cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ các nhà đóng gói để đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu.
Ông Hoà thông tin thêm, hiện Hoa Kỳ đã đồng ý cho quả xoài của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường này. Đây là thị trường tiêu thụ khoảng 40% lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là động lực cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam tận dụng cơ hội phát triển trong thời gian tới. Do đó, Cục Bảo vệ Thực vật cần có những hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu xoài sang Hoa Kỳ một cách thuận lợi.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2019 lĩnh vực rau hoa quả cũng có nhiều dư địa tạo đột phá trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là khi một loạt các nhà máy chế biến lớn, hiện đại đi vào hoạt động. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, giá rau quả trên thế giới không giảm nhiều, trong khi đó Việt Nam lại có vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến; đồng thời, do việc xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nên đây là lĩnh vực có tiềm năng để tăng trưởng, góp phần bù đắp phần cho lĩnh vực chăn nuôi đang bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi.
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 3/2019, tại thị trường trong nước một số loại trái cây đã có dấu hiệu hồi phục như thanh long và chuối. Cụ thể, thanh long hiện có giá trung bình 20.000 đồng/kg (ruột trắng), 35.000 - 40.000 đồng/kg (ruột đỏ); chuối có giá từ 12.000 - 16.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất tốt cho nông dân. Ngoài ra, giá mít Thái vẫn liên tục cao trong thời gian qua. Hiện nay, mít đang vào cuối vụ, giá lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng nông dân không có hàng bán.
Theo các doanh nghiệp, sự ấm lên của thị trường Trung Quốc trong tháng 3/2019 hy vọng sẽ đưa xuất khẩu rau quả vào quỹ đạo tăng trưởng như những năm trước đây. Mới đây, Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (thuộc Tập đoàn THACO) được thành lập và xuất khẩu thành công lô hàng chuối đầu tiên sang Thanh Đảo (Trung Quốc) với trị giá hơn nửa triệu USD.
Đối với mặt hàng rau củ, tại Lâm Đồng, một số loại rau như ớt chuông do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung hạn chế, khiến giá mặt hàng này tăng. Trong khi đó, một số mặt hàng khác như su su, cải thảo, su hào... lại có xu hướng giảm do hiện là thời điểm chính vụ nên nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu không có sự đột biến.