Xuất khẩu trái cây: Lấy lại vị thế trên thị trường thế giới

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kết quả xuất khẩu mặt hàng trái cây năm 2019 ước đạt 3,85 tỷ USD, tăng 6,9% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2019.

Để đạt được kết quả này, toàn ngành đã vượt qua nhiều khó khăn về thị trường, cạnh tranh, lẫn những yêu cầu an toàn thực phẩm của các nhà nhập khẩu. Nhiều địa phương ở phía Nam đã xây dựng được vùng nguyên liệu, xây dựng được thương hiệu trái cây phục vụ thị trường trong và ngoài nước. 

Chú thích ảnh
Đóng gói xoài tươi chuẩn bị cho xuất khẩu sang Australia tại Công ty Kim Nhung Đồng Tháp. Ảnh: Đức Nhung/TTXVN

Gian nan cạnh tranh
 
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trái cây Việt Nam hiện đã có mặt ở 60 thị trường trên thế giới; trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu trái cây của Việt Nam, chiếm 66,8% thị phần, đứng thứ 2 là thị trường Mỹ, chiếm 4% thị phần, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Các thị trường khó tính đều có dấu hiệu tăng giá trị nhập khẩu trái cây Việt Nam, thì thị trường Trung Quốc lại giảm 13,7% về giá trị. Bởi thị trường này có nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch hơn so với năm 2018. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây Việt đã nỗ lực rất lớn để vượt qua các rào cản kỹ thuật và an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cố gắng mở cửa thị trường cho trái cây Việt. Bởi Thái Lan đã đưa được 22 loại trái cây sang thị trường Trung Quốc, còn các doanh nghiệp Việt cố gắng đưa được 9 loại trái cây. Mặc dù có sự chênh lệch khá lớn, nhưng 9 loại sản phẩm trái cây Việt đã vượt qua đánh giá rủi ro, nâng uy tín khi vào thị trường này.
 
Không những vậy, các thị trường khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia… cũng có thêm nhiều hàng rào kỹ thuật đối với trái cây Việt sau Hiệp định thương mại tự do EVFTA được ký kết tháng 10/2019, tạo thuận lợi về thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm nông sản Việt tiến vào thị trường này.
 
Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây đã cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu, cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.
 
Là một trong những thị trường khó tính, thị trường Australia cũng đã mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây Việt. Trong năm 2019, thị trường này đã chính thức nhập khẩu trái nhãn Việt. Như vậy, sau những nỗ lực, Việt Nam đã đưa thành công 4 loại trái cây vào Australia, đó là vải xoài, thanh long và nhãn tươi.
 
Ông Hoàng Luật, chủ chuỗi siêu thị hàng thực phẩm châu Á MCQ, bang Tây, Australia chia sẻ, khách hàng đánh giá tốt chất lượng sản phẩm trái cây Việt Nam. Ước tính, mỗi tuần, hệ thống siêu thị MCQ tiêu thụ từ 1 đến 1,5 tấn trái cây Việt. Khách hàng lựa chọn sản phẩm trái cây Việt vì chất lượng cao nhưng giá lại thấp. Vì vậy khả năng cạnh tranh của trái cây Việt rất cao.
 
Việc đa dạng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất thế giới là tín hiệu đáng mừng cho ngành trái cây Việt, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Australia ngày càng mở rộng.
 
Phấn đấu nâng cao vị thế
 
Trước những cạnh tranh ngày càng gay gắt của sản phẩm trái cây khác cuãng như yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường "khó tính", người sản xuất trái cây Việt phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí an toàn, vệ sinh thực phẩm do khách hàng quốc tế đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay người sản xuất trái cây Việt làm theo tiêu chuẩn quốc tế hiện chưa nhiều.
 
Điều này nói lên rằng, để người sản xuất trái cây Việt đủ "lực" phục vụ nhu cầu, yêu cầu của người tiêu dùng quốc tế thì phải đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây, xây dựng vùng nguyên liệu trái cây chất lượng được cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp mã số vùng trồng để khách hàng quốc tế dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
 
Ngoài yếu tố xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm trái cây Việt, đa dạng hóa sản phẩm như nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt đã làm, ngành sản xuất trái cây Việt cũng chú ý đến yếu tố chất lượng. Thị trường nhập khẩu trái cây Việt hiện còn nhiều dư địa, nhưng các doanh nghiệp không được bỏ qua yếu tố gây ấn tượng ban đầu.

Bà Anna Le, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path, Australia nhấn mạnh, trái cây Việt muốn tạo ấn tượng tốt đến người tiêu dùng thế giới, các doanh nghiệp Việt không được vì tiết kiệm chi phí mà sử dụng dịch vụ logictics rẻ tiền, giá thấp.

Bởi trái cây thu hút người tiêu dùng nhờ vào chất lượng và sự tươi ngon. Đặc biệt, khi loại trái cây nào đã được thị trường Australia đón nhận, cũng đồng nghĩa đã được công nhận chất lượng cao. Loại trái cây đó có thể "tự tin" lưu thông vào các thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...
 
Đồng tình với nhận xét của bà Anna Le, ông Nguyễn Đình Mười, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T cũng cho rằng, thị trường Australia không gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài  nhập khẩu trái cây hay bất kì loại nông  sản nào bằng chính sách thuế hay pháp luật, nhưng chính yêu cầu cao của người tiêu dùng Australia là sự tuyển chọn tốt nhất. Bởi sản phẩm muốn vào thị trường này, đã phải trải qua các khâu kiểm tra, kiểm dịch, bảo quản khắt khe của các cơ quan kiểm dịch Australia.
 
Như vậy, khi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây và người sản zuaats trái cây Việt nỗ lực đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Australia, cũng là một giải pháp hay khẳng định chất lượng sản phẩm trái cây Việt Nam, một cách nâng cao giá trị sản phẩm tại các thị trường khác trên thế giới.
 
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết thêm, để sản phẩm rau quả có thể vượt rào một cách căn cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang kiến nghị Chính phủ có những ưu đãi cho ngành nông nghiệp trong việc đầu tư các chương trình trọng điểm, xây dựng chương trình sản xuất kinh doanh.

Các chương trình này là mấu chốt trong vấn đề đánh giá tương đương giữa các cơ quan quản lý của bên nhập khẩu và các quốc gia xuất khẩu. Đây là chìa khóa giảm thiểu rào cản thương mại, đặc biệt giảm thiểu được rào cản xuất khẩu của trái cây Việt.

Hồng Nhung (TTXVN)
'Giấy thông hành' và câu chuyện xuất khẩu trái cây
'Giấy thông hành' và câu chuyện xuất khẩu trái cây

Sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa, mới đây xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ; đồng thời đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN