Kiện toàn hệ thống logistics Trong toàn hệ thống sản xuất chế biến và xuất khẩu trái cây, thì khâu dịch vụ hậu cần lại là yếu tố góp phần vào việc tăng hay giảm giá thành sản phẩm, chất lượng sản phẩm khi được đưa đến người tiêu dùng. Dịch vụ logistics thuận lợi sẽ là một yếu tố quan trọng để ngành trái cây nâng cao giá trị gia tăng.
Quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại sẽ góp phần hỗ trợ cho việc xuất khẩu trái cây. Ảnh: Lê Nghĩa |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hạ tầng giao thông và logistics của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đã tốt hơn so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới, thì tốc độ này vẫn còn rất chậm.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có thể phát triển logistics rất tốt, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Việc phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn và giải quyết các nút thắt về kết cấu hạ tầng sẽ góp phần giảm chi phí logistics xuống mức tương đồng với các nước trong khu vực, tiến đến mục tiêu hạ chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Chính vì thế, ngoài việc đầu tư hạ tầng giao thông và logistics theo các hạng mục công trình của Chính phủ, mỗi địa phương có vùng nguyên liệu cây ăn trái phải phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, kết nối kho cảng với các cụm doanh nghiệp, phát huy vận tải đa phương thức, đặc biệt là phát huy lợi thế đường thuỷ nội địa để giảm sự quá tải của đường bộ...
Ngoài ra, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị các cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để khắc phục tình trạng thiếu, yếu và chắp vá như hiện nay.
Theo đó, ông Thể nhấn mạnh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào 6 nội dung trọng tâm gồm giải pháp về kết cấu hạ tầng kết nối, phát triển dịch vụ vận tải phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics, nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh vận tải, giao nhận, dịch vụ logistics, phát triển nguồn nhân lực và các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đối với hoạt động của dịch vụ logistics.
Để cụ thể hóa những hoạt động này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thực hiện nhiều dự án công trình giao thông, phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa tốt nhất, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế nơi này.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND Đồng Tháp chia sẻ, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống đang được thi công và sẽ đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018; tuyến Quốc lộ 30, Quốc lộ 54 cũng được mở rộng để tạo điều kiện lưu thông trong địa bàn tỉnh, cũng như kết nối giao thông tốt với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện cho phát triển logistics, vận chuyển được thuận lợi hơn.
Bên cạnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng được hoàn chỉnh, Đồng Tháp cũng đang chú trọng kêu gọi nhà đầu tư khai thác thế mạnh giao thông thủy, dựa trên hệ thống cảng hiện có để phát triển logistics nhằm khai thông những điểm nghẽn trong phân phối, lưu thông và vận chuyển hàng hóa, kết nối Đồng Tháp với thị trường trong nước và thế giới. Với chiến lược này, nhà đầu tư sẽ không còn tâm lý ngại về vị trí địa lý, cũng như hạ tầng giao thông.
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông, logistics, việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và chính sách đất đai sẽ góp phần mở điểm nghẽn trong thúc đẩy vùng nguyên liệu cho trái cây Việt Nam.
Cần chính sách mở cho xuất khẩu trái cây Ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam vốn đã được nhiều thị trường trên thế giới biết đến. Tuy nhiên, để có thể nâng lượng trái cây Việt Nam hơn 1% hiện nay so với lượng trái cây đang được tiêu thụ trên toàn cầu, thì việc quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho bộ mặt của ngành.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trước yêu cầu cần một thương hiệu vững chắc cho trái cây Việt Nam, các cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm trái cây Việt trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức các đoàn giao thương tại các hội chợ lớn, hội chợ chuyên ngành thực phẩm tại các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm chế biến của Việt Nam với khách hàng tiêu dùng quốc tế. Triển khai chương trình "Vietnam food branding", xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thực phẩm Việt Nam nói chung; trong đó có mặt hàng trái cây.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm trái cây, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở cửa thị trường rau quả của Việt Nam.
Nguồn cung nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu và xuất khẩu tươi vốn là điều khiến các doanh nghiệp đau đầu. Khi gặp đơn hàng với số lượng lớn, phải giao trong thời gian ngắn, thì huy động và tập trung nguyên liệu đạt yêu cầu của toàn vùng lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính và cốt lõi vẫn là thiếu diện tích tập trung lớn để sản xuất nguyên liệu.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An chia sẻ, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu trái cây luôn sẵn sàng đầu tư công nghệ để chế biến, xuất khẩu. Với một doanh nghiệp hoạt động thương mại uy tín, việc tìm hiểu nhu cầu và thông tin thị trường trước khi sản xuất vốn đã được thực hiện hoàn chỉnh. Sau đó mới tiến hành thu gom nguyên liệu và sản xuất. Thế nhưng, mỗi lần như vậy, hầu như các doanh nghiệp đều lo lắng nhiều hơn khi vất vả phải giải quyết nguồn nguyên liệu.
Ông Huy cũng đề xuất nếu có thể, thì ngoài những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp, Chính phủ cũng mở rộng chính sách hạn điền, nâng mức quản lý đất đai cho doanh nghiệp để thuận tiện sản xuất.
Để thực hiện vấn đề các doanh nghiệp đắn đo về diện tích sản xuất và vùng nguyên liệu, các địa phương sản xuất trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tiến hành vận động, khuyến khích người sản xuất thành lập hoặc tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để có tư cách pháp nhân vững chắc trong giao dịch, thương mại nông sản với doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài, tạo đầu ra cho nông sản ổn định và học hỏi được nhiều nhiều tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới từ sự hợp tác này.
Trước vấn đề đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, địa phương cần phân bổ, cân đối hợp lý với từng ngành hàng trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn. Trong quá trình đó phải đặc biệt “coi trọng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể; trong đó có hợp tác xã và tổ hợp tác. Nếu làm được những điều này thì mục tiêu xuất khẩu rau củ quả đến năm 2020 đạt gần 5 tỷ USD là con số không khó thực hiện.