Căn nhà này do vợ chồng anh Trần Văn Hiền (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Hồng (35 tuổi) ngụ tại phường Thành Phước xây dựng nhằm cưu mang, chăm lo cho những người đã kiệt quệ cả sức lực và tài chính vì căn bệnh suy thận mãn tính.
Bên trong căn nhà chật hẹp này có những lúc lặng đi vì những cơn đau của người chạy thận nhân tạo, nhưng cũng có lúc đầy ắp niềm vui và nụ cười. Chính từ nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng anh Hiền cùng tình yêu thương giữa những người đồng cảnh ngộ đã mang họ đến gần nhau hơn, cùng động viên nhau không bao giờ bỏ cuộc trước căn bệnh quái ác này.
“Cứu tinh” của người chạy thận nhân tạo
Với những người chạy thận nhân tạo, bên cạnh những nỗi đau do bệnh tật hoành hành, mối lo về kinh tế cũng rất lớn. Dù có bảo hiểm y tế nên nhẹ gánh tiền thuốc nhưng việc đi lại thường xuyên khiến họ khó khăn cả về sức khỏe lẫn tiền bạc. Vợ chồng anh Trần Văn Hiền như “cứu tinh” của những người chạy thận nhân tạo. Không chỉ xây nhà cho họ ở miễn phí, bệnh nhân và thân nhân còn được vợ chồng anh Hiền chăm sóc tận tình và thường xuyên động viên an ủi. Chu đáo hơn, anh còn chủ động liên hệ với đội xe chuyển bệnh miễn phí để đưa đón các bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thành phố Cần Thơ lọc thận, không để họ phải vất vả tự đi đến bệnh viện như trước đây.
Trở về sau gần 4 tiếng nằm lọc thận tại bệnh viện, một số thành viên trong mái nhà chung mệt mỏi nên được người thân tận tình chăm sóc. Trong gian nhà nhỏ, mọi người hỏi thăm sức khỏe sau khi chạy thận rồi lại nói đùa với nhau để vơi bớt cơn đau. Vừa bóp tay xoa xoa cho chồng, bà Nguyễn Thị Bé (72 tuổi, ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) kể, hai vợ chồng đã chống chọi với căn bệnh này hơn 10 năm nay, sức khỏe và kinh tế đều kiệt quệ. Năm trước, vợ chồng bà được anh Hiền đến đón về đây ở. Từ ngày về đây, sinh hoạt giờ giấc bình thường, không gian sống như ở nhà nên sức khỏe cải thiện nhiều hơn, tinh thần cũng thoải mái. Cứ cách ngày, chồng bà lại được xe từ thiện chở sang bệnh viện để chạy thận rồi đưa về, không còn phải vất vả như trước đây nữa. “Ở đây, từ chỗ ở đến ăn uống đều được miễn phí, nhà cửa thoáng mát, lại có mọi người cùng chia sẻ nên dù bệnh tình có mệt nhưng cũng rất thoải mái, nhẹ nhõm” bà Nguyễn Thị Bé chia sẻ.
Căn bệnh suy thận mãn tính đã theo bà Nguyễn Thị Kiều Bảy (48 tuổi, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) suốt 9 năm qua. Kết quả của những ngày chiến đấu với bệnh tật khiến bà gầy gò, làn da đen sạm, còn hai cánh tay nổi đầy những cục u. Gia đình khó khăn lại thêm căn bệnh này phải đi lại điều trị thường xuyên, bà phải bán gần hết ruộng đất, các con phải đi làm xa phụ giúp thêm cho mẹ có tiền đến bệnh viện điều trị. Bà Bảy chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần chạy thận mất từ 3 - 4 tiếng, nghỉ ngơi xong đến tối không về được, đành phải ngủ lại ở hành lang bệnh viện. Tôi may mắn được chú Hiền đón về đây ở, tới nay cũng hơn 1 năm rồi. Chú như cứu tinh của bà con ở đây, xây chỗ ở cho những bệnh nhân chạy thận tá túc miễn phí rồi còn lo cơm nước, an ủi thường xuyên nữa, có đau yếu bệnh tật gì phát sinh chú cũng lo phụ”.
Chia sẻ về lý do xây dựng mái nhà chung này, vợ chồng anh Trần Văn Hiền cho biết, trong một lần đến thăm người thân tại bệnh viện, tận mắt chứng kiến nhiều bệnh nhân chạy thận yếu ớt, xanh xao phải nghỉ ngơi ở hành lang bệnh viện rất vất vả. Đồng lòng, hai vợ chồng quyết định mua miếng đất rồi xây dựng nên căn nhà để đón những bệnh nhân chạy thận, người già yếu cơ nhỡ đến ở và chăm sóc. Hàng ngày, vợ chồng anh thay nhau lui tới thăm nom, mang thức ăn và trò chuyện cho mọi người.
Anh Hiền tâm sự: “Ban đầu mình bỏ tiền túi ra làm, rồi bạn bè biết cùng chung tay cùng làm với hy vọng chia sẻ phần nào nỗi đau, khó khăn của những người có hoàn cảnh không may mắn. Chỉ mong đủ sức lực để duy trì mái nhà này, chăm lo ngày càng tốt hơn để nơi đây thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai và là điểm tựa để các cô, chú sống lạc quan hơn trong những ngày tháng phải chống chọi với bệnh tật".
Mái nhà chung ấm áp nghĩa tình
Căn nhà đơn sơ do vợ chồng anh Trần Văn Hiền xây dựng nay đã là mái nhà thứ 2 của gần 30 cảnh đời cơ khổ đến từ nhiều địa phương khác nhau như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ… Nhà lợp mái tol trên diện tích khoảng 300m2, được chia làm ba gian, trong đó có hai gian để bố trí giường cho bệnh nhân và người nhà nghỉ ngơi, gian còn lại là nơi sinh hoạt chung, ăn uống, nhà bếp.
Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Kim Hồng, vợ anh Hiền, tranh thủ đi chợ sớm mua thức ăn cho mọi người. Chị cho biết phải tìm hiểu và mua những món nào tốt để đảm bảo cho sức khỏe người bệnh, rồi hễ có thời gian là đến nhà để trò chuyện, tâm sự cho mọi người vui vẻ. Gần 2 năm qua, vợ chồng chị đã trở thành người bạn đồng hành với những thành viên trong mái nhà chung này. Chị Hồng nói: “Mọi người tự nấu ăn, sinh hoạt với nhau như gia đình. Người khỏe lại xắn tay vào bếp nhặt rau, rửa chén, nấu ăn. Người mệt thì nằm nghỉ...”.
Cùng nhau nấu ăn, mọi người thoải mái chia sẻ với nhau những câu chuyện về cuộc sống của mình, về những dự định sắp tới. Khu bếp phía sau nhà cũng trở thành không gian sinh hoạt ấm cúng của đại gia đình những người chạy thận.
Bà Võ Thị Diễn (63 tuổi, xã Tân Lược, Bình Tân- Vĩnh Long) nói: “Ở đây mấy tháng trời mới về nhà, chị em từ lạ trở thành quen. Mỗi người một hoàn cảnh, khi nghe tới ai cũng rưng rưng nước mắt. Trong khốn khó, chúng tôi lại được cưu mang, được gặp gỡ và đồng hành với nhau như thế này thật hạnh phúc. Đây là căn nhà thứ 2 của chúng tôi. Ở đây, người khỏe mạnh giúp đỡ người ốm yếu. Nếu có chuyện buồn, chúng tôi lại động viên”.
Tâm sự về những điều còn trăn trở, anh Trần Văn Hiền chia sẻ: “Dù đã cố gắng tạo cho các thành viên trong mái nhà chung nhiều niềm vui, nhưng với họ đôi lúc vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng khi cơ thể suy yếu từng ngày. Đã có 7 cô, chú không thể tiếp tục hành trình này mà ra đi, có những trường hợp mất mà không có người thân bên cạnh. Những lúc ấy, vợ chồng tôi và mọi người trong căn nhà này tự coi mình là người thân của họ để cùng chung tay lo phần hậu sự tươm tất cho người đã ra đi. Bởi thế, tôi chỉ mong có thể làm nhiều hơn cho các cô, chú, để họ vui, thoải mái mà vượt qua nỗi đau của bệnh tật”.
Mái nhà chung của những người chạy thận nhân tạo đã trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong hành trình gian nan mà họ phải trải qua. Trong gian khó, họ không cô đơn mà được sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của những người có trái tim ấm như vợ chồng anh Hiền cùng nhiều nhà hảo tâm khác. Đây chính là động lực để những bệnh nhân chạy thận nhân tạo hướng về những điều tốt đẹp, đồng hành cùng nhau để chiến đấu với bệnh tật dẫu chặng đường phía trước sẽ còn nhiều nỗi đau và vất vả.