10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô

Ngày 22/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018).

Dự thảo báo cáo do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học trình bày cho thấy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đồng quan điểm cho rằng Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội là một quyết sách đúng đắn, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của Thủ đô. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, trí thức Thủ đô cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào báo cáo tổng kết 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Các đại biểu kiến nghị hoàn thiện đồng bộ về cơ chế chính sách cho Hà Nội, kiến nghị với Trung ương đẩy mạnh công tác cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

Nhấn mạnh kinh tế trí thức ở Thủ đô là nguồn động lực lớn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng kiến nghị, phải lấy kinh tế trí thức làm chủ đạo để phát triển Thủ đô hơn nữa trong thời gian tới.

Tiến sĩ Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng: Báo cáo cần nhấn mạnh tính đô thị sau sáp nhập. Diện tích về mặt ngoại thành nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn. Chính vì thế, tính đô thị trong nông thôn có ý nghĩa quan trọng, bởi nông thôn mới hôm nay chính là nơi bắt đầu của đô thị hiện đại, bền vững cho ngày mai.

Ngoài ra, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải khẳng định vị trí của Hà Nội trong khu vực Đông Nam Á bằng cách ưu tiên chính sách xã hội hóa, quản lý nhà nước; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phải vào cuộc, là cầu nối giữa chính quyền thành phố và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cũng chỉ ra: Báo cáo cần bổ sung việc mở rộng địa giới hành chính xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của Hà Nội và khẳng định sự chủ động, nỗ lực của Hà Nội giải quyết các khó khăn, thách thức.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông thôn mới cần được phân tích sâu hơn và nêu bật kết quả đạt được trong lĩnh vực này. Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập, nhiều người lo ngại khi Hà Nội có hơn 4 triệu dân nông thôn. Vì thế thành tựu xây dựng nông thôn mới rất đặc biệt; cần phân tích kỹ hơn những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, trong phát triển kinh tế, văn hóa, kết cấu hạ tầng, thay đổi diện mạo đô thị.

Trân trọng tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018). Với các ý kiến góp ý của các đại biểu, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tiếp thu và có tham mưu chỉnh sửa ngay để hoàn thiện báo cáo.

Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù riêng không giống bất cứ Thủ đô nào trên thế giới, do vậy Hà Nội rất mong các chuyên gia có đánh giá, góp ý nhiều mặt, khách quan để có báo cáo toàn diện, thể hiện được sự chủ động, tích cực của Hà Nội trong việc triển khai Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội.

“Ngoài việc tổ chức hội nghị xin ý kiến góp ý, Hà Nội cũng đã điều tra xã hội học với nhiều tầng lớp nhân dân, từ nông thôn, thành thị đến đồng bào dân tộc để có đánh giá khách quan; quan trọng nhất là để đánh giá chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển Thủ đô của đất nước gần 100 triệu dân. Việc đánh giá khách quan, khoa học có ý nghĩa không chỉ cho Hà Nội mà còn là kinh nghiệm để Trung ương có quyết sách với các địa phương khác…”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Trong 10 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng bình quân 7,41%/năm. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2017 (theo giá cố định năm 2010) đạt 519.5 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp), thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn tăng 2,3 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long và xứ Đoài được gìn giữ, phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quốc phòng được tăng cường, công tác đối ngoại được mở rộng.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo khởi sắc rõ rệt. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có chuyển biến tốt hơn. Vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao. Thành phố đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2010).

Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính với sự nghiệp xây dựng và phát triển tại Thủ đô.

Tin, ảnh: Nguyễn Thắng (TTXVN)
Đánh giá sâu sự chuyển biến của Thủ đô Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính
Đánh giá sâu sự chuyển biến của Thủ đô Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính

Chiều 24/5, đại diện các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý đã có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN