LGSP là viết tắt của nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh chứa các dịch vụ dùng chung để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi một bộ, ngành, địa phương. Nền tảng LGSP đóng vai trò trung gian phục vụ kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương với các hệ thống bên ngoài. Mô hình kết nối của nền tảng LGSP theo kiến trúc Chính phủ điện tử của cơ quan cấp bộ chủ quản hoặc kiến trúc chính quyền điện tử của cơ quan cấp tỉnh chủ quản phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.
Việc 100% các bộ có nền tảng LGSP và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ góp phần cơ bản cho việc phá bỏ các "ốc đảo" dữ liệu của các bộ, ngành. Thay vào đó là tạo lập nền tảng sẵn sàng cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước sẽ sớm đi vào thực tiễn.
Để đạt kết quả này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã coi nền tảng LGSP như một dịch vụ khi triển khai các nền tảng công nghệ đối với hệ thống các cơ quan của Chính phủ, Nhà nước; cụ thể, đối với các hệ thống mới, các bộ, địa phương cần một hình mẫu. Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp việc "dùng thử" nền tảng LGSP để các bộ, địa phương hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích, chức năng, tính năng của LGSP. Từ đó, các bộ, địa phương sẽ có cách lựa chọn chính xác hơn khi tiến hành đầu tư hoặc thuê dịch vụ LGSP.
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, nền tảng LGSP do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp không thay thế cho nền tảng LGSP của các bộ, các địa phương, chỉ là giải pháp hỗ trợ, phục vụ kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương hiện đã sẵn sàng thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nền tảng LGSP như một dịch vụ (LGSP as a Service) cho 7 bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Y tế, Nội vụ) và 12 địa phương (Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Phước, Đắk Lắk, Hà Nội, Hậu Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc). Việc triển khai các nền tảng tích hợp, dữ liệu trên quy mô toàn quốc đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện, 61 tỉnh, thành phố, 21 bộ đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so đầu năm 2020 (khoảng 40 bộ, tỉnh).
Từ 1/1 đến ngày 29/10/2020, tổng số giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào khoảng 4,2 triệu giao dịch (năm 2019 chỉ là 2,3 triệu), mỗi ngày khoảng 14.000 giao dịch. Hiệu quả thu được là rất lớn, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, dân nghiệp, công chức, viên chức. Sau 1 năm thực hiện liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, hơn 1,2 triệu hồ sơ đã được xử lý liên thông. Việc này đã giúp việc người dân, công chức, hộ tịch, tư pháp, bảo hiểm xã hội không phải thực hiện hai thủ tục là khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhập dữ liệu trên hai phần mềm khác nhau.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai kết nối nền tảng LGSP với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.