Tại Bình Định, đường 629 tại An Hòa bị ngập, chia cắt đường Bồng Sơn - An Lão; đường 640 bị ngập nước, chia cắt nhiều đoạn; đường từ Định Bình lên Vĩnh Sơn của huyện Vĩnh Thạnh bị sạt lở nặng; đường giao thông nội bộ một số khu vực ở Bùi Thị Xuân, Phước Mỹ và khu vực đập Phú Hòa của thành phố Quy Nhơn bị ngập cục bộ, nước đang rút chậm.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, đến sáng 4/12 trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.160 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ ở các huyện Nông Sơn, Núi Thành, thành phố Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh. Có 2 nhà dân bị sập do sạt lở đất ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.
Trong sáng 4/12, lượng mưa ở vùng hạ du của tỉnh Quảng Nam đã giảm nhưng nhiều vùng dân cư ở khu vực trũng thấp vẫn bị ngập sâu trong nước, người dân phải di chuyển bằng ghe, thuyền. Xóm Bến Đá, thôn An Thành 2, xã Bình An, huyện Thăng Bình có 20 hộ dân vẫn đang bị cô lập giữa mênh mông biển nước. Những ngôi nhà cấp 4 mái ngói tại đây bị nước lũ dâng cao ngập vào trong nhà gần 1m. Người dân phải lùa trâu, bò trong dòng nước lũ để di chuyển lên phía nhà hợp tác xã nông nghiệp tránh trú.
Chị Nguyễn Thị Tường ở xóm Bến Đá cho biết, nước lũ dâng cao mấy ngày nay và xuống rất chậm đã làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Không chủ quan với lũ, người dân ở đây luôn theo dõi sát diễn biến của thông tin thời tiết để kịp thời chủ động ứng phó, di dời khi có yêu cầu của chính quyền.
Tính đến ngày 4/12, nước lũ đã gây thiệt hại gần ha rau màu các loại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Một số tuyến đường liên huyện ở khu vực cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu Khe Sé, cầu Nà Manh của huyện Nông Sơn bị chia cắt. Tuyến đường ĐT 617 tại Km16- Km17 ở xã Tam Trà, huyện Núi Thành bị sạt lở ta luy đường gây ách tắc giao thông với khối lượng khoảng 150m3 đất...
Hiện nay, mực nước ghi nhận tại các trạm thủy văn tại Ái Nghĩa, Giao Thủy, Câu Lâu, Hội An, Tam Kỳ đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. 13 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý mực nước đã tích đầy nước.
Lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định đã đạt đỉnh và đang xuống. Nhưng theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đêm 5/12 đến ngày 9/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên khu vực Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lũ, lớn. Rủi ro thiên tai cấp 1-2.
Cụ thể khoảng đêm 5 ngày 6/12, không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa nhỏ vài nơi. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định do ảnh hưởng kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, từ 4/12 đến hết ngày 8/12 tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to. Gió Đông Bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5.
Từ gần sáng ngày 6/12, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 -9, sóng biển cao từ 2 - 4m, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Từ ngày 6/12, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, vùng núi có rét đậm, nhiệt độ thấp nhất giảm mạnh, phổ biến 12-15oC, vùng núi cao 6-9oC.
Do đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có thông báo số 560 ngày 3/12 gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định về diễn biến mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Yêu cầu thường xuyên cập nhật và chuyển các bản tin thời tiết nguy hiểm, cảnh báo mưa, lũ đến thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và các tỉnh, thành phố thông qua hệ thống tin nhắn.
Các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa, lũ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 40 ngày 26/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Trong đó các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa, lũ.
Đồng thời tiếp tục tăng cường lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết. Huy động lực lượng giúp dân vệ sinh nhà ở, môi trường, khôi phục sản xuất khi lũ rút; thống kê, đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Tăng cường tuần tra canh gác ở các điểm ngầm tràn, các vị trí có nguy cơ sạt lở để cảnh báo cho dân, hạn chế thiệt hại về người. Tiếp tục cảnh báo tàu thuyền ở khu vực cửa sông tại các tỉnh Trung Bộ và đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh do tác động của lũ và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, sẵn sàng lực lượng phương tiện kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.