110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Bài cuối: Người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long

Truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên biết bao người con ưu tú của vùng đất “Chín Rồng”, trong đó có đồng chí Phạm Hùng - một nhân cách lớn, một người cộng sản kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Và chính đồng chí Phạm Hùng, với tài năng và nhân cách ngời sáng của mình, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương, là nguồn động lực để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long phấn đấu giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước qua các thời kỳ cách mạng. 

Chú thích ảnh
Đoàn viên huyện Long Hồ tham quan, tìm hiểu tại Nhà từ đường của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ở xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Người con tâm huyết với quê hương

Tham luận của Tỉnh ủy Vĩnh Long nêu rõ, là một cán bộ cấp cao của Đảng, dù bận nhiều việc, đồng chí Phạm Hùng vẫn tranh thủ ghé thăm quê nhà trong những lần về Nam công tác, vừa để kiểm tra tình hình, vừa góp ý, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 1983, Đại hội tỉnh Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ  III, trong phát biểu, đóng góp cho Đại hội, đồng chí Phạm Hùng nhấn mạnh: “Đảng bộ tỉnh Cửu Long là một thể thống nhất, là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Vì vậy không nên để chủ nghĩa cá nhân cục bộ, địa phương xen vào gây tổn thương cho sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng”. Những lời chỉ dẫn của đồng chí Phạm Hùng tuy không mới, nhưng là vấn đề mấu chốt nhất trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.

Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Cửu Long lần thứ IV (1986), đồng chí lại một lần nữa nêu cao tinh thần đoàn kết, không chỉ là đoàn kết trong Đảng, mà còn đoàn kết giữa hai dân tộc Kinh - Khmer, đoàn kết lương giáo. Đồng chí chỉ rõ: “Lịch sử cách mạng tỉnh nhà nói riêng, và đất nước nói chung là lịch sử đoàn kết đấu tranh, nhờ đoàn kết mà đánh bại được mọi âm mưu chia rẽ dân tộc Kinh – Khmer, chia rẽ lương giáo của địch, đưa cách mạng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đi đến thắng lợi cuối cùng”. Đồng chí cũng không quên nhắc nhở: “Phải chống lại tư tưởng cục bộ, bản vị, cá nhân kèn cựa, phải gác bỏ mọi riêng tư để tập hợp cho kỳ được được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Ngoài ra, đồng chí còn góp ý trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác như: Vấn đề xây dựng cơ cấu kinh tế của tỉnh, vấn đề kết hợp đẩy mạnh sản xuất với làm chủ phân phối, lưu thông, việc kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh. Đây là những vấn đề cốt lõi trong xây dựng và phát triển của tỉnh Cửu Long thời kỳ đó. Những góp ý của đồng chí rất chân thành và sâu sát với tình hình địa phương, gợi ý cho tỉnh về cách giải quyết những vướng mắc cơ bản trong việc thực thi những chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước khi triển khai thực hiện ở địa phương.

Noi gương Bác Hai xây dựng quê hương giàu đẹp

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo, những lời nhắc nhở, chỉ bảo của Bác Hai, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí quyết tâm, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp 13 lần năm 1985, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 129 lần. Tỉnh chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng khá cao; khu vực kinh tế phi nông nghiệp phát triển nhanh từ 24,3% năm 1985 lên ,26% năm 2020; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56,6 triệu đồng/năm. Xây dựng nông thôn mới có nhiều nổi bật, vượt mục tiêu đề ra trước 2 năm giai đoạn 2016 - 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 76%, thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân và doanh nghiệp, Vĩnh Long đã kiểm soát thành công đại dịch, sản xuất, kinh doanh và hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi và có nhiều khởi sắc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Chú thích ảnh
Tối 10/6/2022, tại quảng trường thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2022) với chủ đề “Khúc ca tự hào”. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định, tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và truyền thống tốt đẹp của quê hương, xây dựng tỉnh Vĩnh Long ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, luôn xứng đáng với tình cảm và ước nguyện của đồng chí Phạm Hùng đối với quê hương Vĩnh Long thân yêu.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Bài 1: Người cộng sản kiên trung
110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Bài 1: Người cộng sản kiên trung

Hơn 75 năm tuổi đời và 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được Đảng và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN