Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2015 được tổ chức ngày 4/4 tại cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức, ngành ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án với tổng số tiền cho vay hơn 4.700 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị. |
Nguồn tài chính cam kết này tập trung đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: Thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, vận tải, nông sản trước sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh khu vực vùng Tây Bắc, một số thành phố lớn trong nước, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị. |
Ngoài ra, 4 tỉnh gồm Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng cũng đã ký thỏa thuận cam kết đầu tư cho 17 dự án với tổng số vốn 11.941 tỷ đồng. Trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án thuộc 8 tỉnh trong vùng với tổng số vốn đầu tư 9.899 tỷ đồng. 29 đơn vị tài trợ an sinh xã hội với tổng số tiền 502 tỷ đồng, trong đó TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 2 tỷ 832 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt quan trọng, nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ, công tác quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc.
Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương tham dự Hội nghị. |
Đối với vùng Tây Bắc, đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Đầu tư cho vùng Tây Bắc phát triển là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ cho vùng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính quyền và nhân dân các địa phương, sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đã có những chuyển biết rõ nét trên từng lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 9,54%, năm 2014 đạt 8,79%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 24,7 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 26.000 tỷ đồng (tăng 30% so với năm trước). Kết cấu hạ tầng được quan tâm; nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác, các trục giao thông đường bộ huyết mạch đã và đang được đầu tư, nâng cấp và phát huy hiệu quả (nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt 7.803 triệu USD, tăng 41,71% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2014 còn 18,2% (giảm 4,3% so với năm trước).
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung còn yếu kém. Thu ngân sách trên địa bàn mới đáp ứng được gần 1/3 chi ngân sách địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Những mặt hạn chế nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách quan do địa hình chia cắt phức tạp, xa cách trung tâm kinh tế - xã hội, còn do những yếu tố chủ quan trong công tác quản lý, trong việc cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách, môi trường chưa thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế cho đầu tư phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Sơn La chứng kiến lễ ký kết đầu tư giữa các doanh nghiệp với tỉnh Cao Bằng tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng; những thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp; định hướng phát triển các loại hình dịch vụ, đầu tư chiều sâu để khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thuỷ lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch, các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông lâm sản; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; huy động rộng rãi các nguồn tài trợ gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội. Tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, đồng thời tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương trong vùng.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La, Lào Cai, Điện Biên và Cao Bằng trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư. |
Theo ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tại hội nghị này các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, trung ương và các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư gặp gỡ trao đổi về công tác quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vùng Tây Bắc. Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong vùng sẵn sàng lắng nghe ý kiến của quý vị đại biểu để nghiên cứu, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn trên mỗi địa bàn, nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, các nguồn tài trợ.
Bài và ảnh: Viết Tôn