Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ truyền thống hữu nghị đã được thử thách qua thời gian. Đó là mối quan hệ dựa trên nền tảng sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, sự chia sẻ những lợi ích, giá trị tương đồng. Mối quan hệ ấy dựa trên nền tảng lịch sử giao lưu thương mại, văn hóa, tôn giáo hàng ngàn năm.
Quang cảnh khai mạc Ngày Văn hoá Ấn Độ tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Những phát hiện khảo cổ học đã chỉ ra rằng, văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, Phật giáo Hindu giáo đã dần dần lan tỏa, ảnh hưởng trên một vùng rộng lớn bao gồm cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam - Ấn Độ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ; 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và một năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, các thế hệ người Việt Nam luôn đánh giá, Ấn Độ là người bạn thủy chung, trong sáng trong lịch sử hiện tại. Hai nước có quan hệ hữu nghị, truyền thống, luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.
Quan hệ chính trị, ngoại giao đã tạo nền tảng, khuôn khổ cho các quan hệ hợp tác khác phát triển. Quan hệ kinh tế song phương chưa phát triển mạnh, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt 7 tỷ USD (chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 1,45% tổng thương mại của Ấn Độ). Với mức kim ngạch thương mại này, khó đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng vững chắc. Đó là sự gắn kết chặt chẽ về văn hóa, lịch sử, lòng tin, sự hiểu biết. Mối liên hệ lịch sử, văn hóa giữa hai dân tộc kéo dài hơn 2000 năm, để lại dấu ấn trong cuộc sống, hoạt động hằng ngày của nhân dân hai nước.