Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Năm mươi năm trước, xuất phát từ “mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc cho hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực ở Đông Nam Á trên tinh thần bình đẳng và đối tác, đóng góp cho hòa bình, tiến bộ ở khu vực” Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức ra đời.
Năm mươi năm chỉ như một “chớp mắt” của lịch sử, song với ASEAN đó là cả một chặng đường dài với bao gian khó nhưng có những mốc son lưu dấu, có những bước lớn mạnh, trưởng thành khi phấn đấu không mệt mỏi hướng tới mục tiêu “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia”. Việt Nam tự hào là một phần quan trọng trong tiến trình lịch sử ấy với những đóng góp không nhỏ để có một ASEAN ngày hôm nay.
Nửa thế kỷ ASEAN và những mốc son lịch sử Ngày 8/8/1967, Bộ trưởng Ngoại giao năm nước Đông Nam Á đã cùng ký vào bản Tuyên bố Bangkok (Tuyên bố Băng Cốc), khai sinh ra ASEAN – “Hiệp hội đại diện cho ý chí tập thể của các quốc gia ở Đông Nam Á gắn bó với nhau bởi tình hữu nghị và hợp tác, và thông qua những cống hiến và nỗ lực chung đảm bảo cho nhân dân mình và cho các thế hệ mai sau được hưởng hòa bình, tự do và phồn vinh”.
Từ một tổ chức với năm thành viên đầu tiên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, ASEAN đã kết nạp thêm Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào và Myanmar (1997) và Campuchia (1999), hiện thực hóa giấc mơ về một ASEAN bao gồm cả mười nước Đông Nam Á.
Hội nghị Cấp cao ASEAN họp lần đầu tiên năm 1976, thể hiện mức độ quan tâm cao hơn và cam kết chính trị mạnh mẽ hơn dành cho hợp tác ASEAN. Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) thành lập năm 1992, là thành quả của 25 năm đầu tiên hợp tác kinh tế ASEAN, đồng thời đặt nền tảng quan trọng xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau này.
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ra đời năm 1994 với tinh thần “thúc đẩy hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở Châu Á – Thái Bình Dương” đã khởi đầu cơ chế đối thoại và tham vấn về các vấn đề an ninh và chính trị trong khu vực.
Năm 2007, ASEAN ghi thêm một mốc son mới đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập bằng việc ký kết Hiến chương ASEAN. Hiến chương ra đời đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc về chất, đưa ASEAN từ một tổ chức hợp tác khu vực đơn thuần dựa trên các văn kiện chính trị trở thành một thực thể pháp lý.
Hiến chương ASEAN cũng là hiện thân cho những giá trị chung của các nước thành viên ASEAN: Mười quốc gia cùng cất chung một lời hát, mười sắc cờ hiện hữu trên lá cờ chung bốn màu xanh, đỏ, trắng, vàng, mười bó lúa đan kết làm nên biểu tượng ASEAN của sự đoàn kết và thịnh vượng.
Mười năm qua, Hiến chương ASEAN đã và đang phát huy giá trị, dù đã có lúc những biến động của tình hình thực tế đã đặt ra trở ngại đối với mục tiêu của Hiến chương, nhưng về cơ bản đây vẫn là bản “Hiến pháp” duy nhất, phù hợp với đặc thù và mức độ hợp tác trong ASEAN.
Các nước thành viên ASEAN gần gũi về địa lý, nhưng đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ phát triển, trải qua những thăng trầm lịch sử với những mục tiêu và vận mệnh chung đã dần dần thu hẹp khoảng cách, hài hòa khác biệt, “tính đa dạng phong phú đã đem lại sức mạnh và nguồn cổ vũ, giúp nhau xây dựng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ”.
Từ ý tưởng sơ khởi về một cộng đồng ASEAN trong Tuyên bố Hòa hợp Bali II (2003), với thực lực và nền tảng pháp lý đã có, với lộ trình xây dựng cộng đồng (2009-2015) được triển khai hiệu quả, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời, mở ra một chương mới trong lịch sử của ASEAN, đưa hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới.
Năm mươi năm vun đắp một Cộng đồng Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành là kết quả của gần 50 năm hợp tác. Nền tảng vững chắc nhất, cũng là thành tựu lớn nhất chính là bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Cộng đồng chính trị - an ninh gắn kết sâu rộng được xây dựng trên cơ sở những cam kết chính trị, những chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập cũng như các nguyên tắc về đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ, pháp quyền, quản trị, liêm chính đã hình thành trong đời sống chính trị ASEAN.
Cộng đồng Kinh tế là sự phát triển cao hơn của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), kế thừa những kết quả liên kết kinh tế nội khối và kết nối với kinh tế toàn cầu, thừa hưởng lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác. Cộng đồng Kinh tế tạo động lực phát triển cho nền kinh tế các nước thành viên, đem lại cho người dân những cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Các khuôn khổ, cơ chế và tập quán hợp tác, sẻ chia được hình thành trong các lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường đến ứng phó các thách thức như bệnh dịch, ma túy, thiên tai…là các nhân tố định hình cho Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, đưa Cộng đồng trở thành đại gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, chia sẻ và giúp đỡ nhau để cùng phát triển.
ASEAN cũng phát huy thành quả trong quan hệ đối ngoại, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với bên ngoài nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ thiết thực từ các đối tác, đồng thời củng cố và duy trì vai trò trung tâm ở khu vực. Những kết quả hợp tác nghị viện ASEAN và ngoại giao nhân dân góp phần làm phong phú và toàn diện bức tranh tổng thể Cộng đồng ASEAN trong tương lai.
Nhằm định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, các Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước, cam kết xây dựng “một Cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.
Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, trong đó yếu tố chủ quan là tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động hiệu quả chưa cao, thỏa thuận nhiều song triển khai còn hạn chế, trình độ phát triển kinh tế đa dạng, nhận thức của người dân về ASEAN chưa đủ, lợi ích và ưu tiên của mỗi nước khác nhau. Nhân tố khách quan là tác động không thuận từ cạnh tranh giữa các nước lớn cũng như những biến chuyển nhanh của tình hình khu vực và quốc tế.
Trong bối cảnh đó, trọng trách đặt lên vai các nước thành viên càng thêm nặng. Để có thể tận dụng các cơ hội, ứng phó kịp thời các thách thức, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, tất cả các nước thành viên cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa, đề cao đoàn kết và liên kết nội khối, triển khai nghiêm túc các chương trình và kế hoạch đặt ra một cách hiệu quả, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực chung cũng như xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực.
Quan trọng hơn, các thành viên cần tăng cường học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt từ những người anh em để góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, thu ngắn quãng đường đi đến đích, để thực sự “cùng vững vàng tiến bước”, thực sự phát huy ý nghĩa của hai chữ “cộng đồng”.
Việt Nam trong ASEAN – cùng thắp sáng ngọn lửa chung Là thành viên có dân số lớn thứ ba và diện tích đứng thứ tư trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và được các nước thành viên khác đặt nhiều kỳ vọng. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với khu vực, mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình và hợp tác.
22 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Đó là nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy kết nạp các nước Đông Nam Á còn lại để hình thành ASEAN-10.
Đó là vai trò tích cực của Việt Nam trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN. Đó là dấu ấn Việt Nam trong các sự kiện lớn như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất (như mở rộng Cấp cao Đông Á bao gồm tất cả các nước lớn ở khu vực, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Mở rộng…).