Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ gửi lời tri ân các thế hệ cán bộ, công nhân viên Khu di tích Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã góp phần sưu tầm tài liệu, lan tỏa các giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua bằng sự chuyên nghiệp, tấm lòng tôn kính nhất dành cho Bác Hồ. Người là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất, kết tinh của nhân, trí, dũng. Đặc biệt, những điều vĩ đại, cao đẹp nhất của Người đều thể hiện ở những việc làm, cử chỉ gần gũi, giản dị, chân thực nhất mà mọi người đều nhìn thấy...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Lúc sinh thời, mong ước lớn nhất của Bác Hồ với dân tộc, đất nước là người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ngày nay, đất nước đã phát triển, mọi người đã có cơm ăn, áo mặc và tiếp tục trên hành trình xây dựng để đất nước giàu mạnh hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Người.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm của nước ta còn thấp nên dù đã tăng trưởng nhanh liên tục trong hơn 20 năm qua, nhưng thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 130 trên thế giới. Dù trình độ phát triển của đất nước không chỉ đánh giá trên chỉ số thu nhập bình quân đầu người, nhưng đây là chỉ số quan trọng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, muốn đất nước phát triển, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới, để sánh vai với các cường quốc thì các tầng lớp nhân dân phải nỗ lực hơn nữa, thể hiện trách nhiệm với đất nước, làm cho hình ảnh Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ ngày càng rực sáng trong lòng người dân, để mỗi người dân thực sự tự hào về quá khứ hào hùng, kết quả đạt được ngày nay, tự hào với thế giới về thành tựu phát triển đất nước trong tương lai…
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công chia sẻ: Khu di tích là di tích quốc gia đặc biệt, nơi Bác đã sống, làm việc, dưỡng bệnh và trút hơi thở cuối cùng (1954-1969). Nơi đây có các di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích. Mỗi di tích, tài liệu, hiện vật chứa đựng nội dung lịch sử khác nhau là minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi Bác Hồ qua đời, Ðảng, Nhà nước ta quyết định bảo quản và gìn giữ lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch, mở cửa đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người.
Hiện có hơn 1.470 đầu hiện vật trong tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật thuộc Khu di tích đang được trưng bày, phát huy giá trị và luôn được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn như khi Người còn sống. Một di tích đặc biệt quan trọng của Khu di tích là nhà sàn Bác Hồ - biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, đồng thời thể hiện đạo đức, phong cách, lối sống hết sức giản dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại nhà sàn, vào mỗi dịp sinh nhật trong các năm 1965 - 1969, Bác Hồ đều dành thời gian viết Di chúc để lại cho muôn đời sau…
Từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phục vụ, đón tiếp trên 80 triệu lượt khách tham quan, trong đó có khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 8 tháng của năm 2019, Khu Di tích đã đón trên 2 triệu lượt khách.
Với tình cảm kính yêu Bác, tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Khu di tích luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ thiêng liêng mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; bảo quản, giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn và phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt về Bác Hồ; phục vụ các thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế đến tham quan, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ban tổ chức hội nghị đã nhận được trên 40 bài tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các thế hệ cán bộ của Khu Di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Các bài tham luận đã đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc, giàu tính gợi mở, tập trung vào những thành tựu nổi bật sau hơn 50 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích; thực trạng, giải pháp chỉnh lý, trưng bày các tài liệu hiện vật tại các nhà di tích; đề xuất công tác kiểm kê, sưu tầm tài liệu hiện vật, bảo quản tài liệu, hiện vật; các giải pháp bảo tồn lâu dài, phát huy giá trị Khu di tích trong thời kỳ mới…
Ngay sau hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đã cắt băng khai mạc triển lãm “50 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” tại khu Đường Xoài. Triển lãm giới thiệu 200 bức ảnh tư liệu, gồm 3 phần nói về chặng đường lịch sử, những dấu mốc đáng nhớ từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu về ở, làm việc tại Khu Di tích cho đến khi Người qua đời (1954-1969); quá trình hình thành, phát triển cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích từ năm 1919 đến nay.