“Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam…” (trích Điều 1, Chương 1, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ký tại Paris ngày 27/1/1973).
Để có được những dòng chữ này, một cuộc đấu trí vô tiền khoáng hậu đã diễn ra trong 4 năm 8 tháng và 16 ngày giữa một nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới. Chiến thắng đó được coi là một đỉnh cao của Ngoại giao Việt Nam, là bước ngoặt để ta tiến tới đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất.
Trong bối cảnh đất nước ta và cục diện thế giới có những thay đổi hết sức lớn lao, sâu sắc, những bài học từ Hiệp định Paris vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và thời cuộc, bởi, chân lý luôn thuộc về hòa bình.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023), phóng viên TTXVN thực hiện tuyến 5 bài: 50 năm Hiệp định Paris: Chân lý thuộc về hòa bình.
Bài 1: Chuyện về một cuộc đấu trí vô tiền khoáng hậu
Tháng Tám năm 2022, một buổi trao tặng tài liệu lưu trữ đầy xúc động đã diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ). Hơn 1.000 tài liệu quý giá phản ánh cuộc đời và sự nghiệp hoạt động quân sự, ngoại giao của Đại tá, Đại sứ Hà Văn Lâu - Nguyên cố vấn, Phó Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam cùng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước đã được trao tặng Trung tâm. Người trao gửi những kỷ vật, tài liệu ấy là Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà, con gái Đại sứ Hà Văn Lâu.
Giữ gìn khối tài liệu hơn cả tính mạng
“Tôi rất xúc động khi nghĩ lại quá trình hoạt động của ba tôi. Ông đi cách mạng năm 17 tuổi cho đến khi mất là 99 tuổi. Cả cuộc đời hoạt động của ông là cho Tổ quốc và nhân dân… Cuộc đời của ông, từ lúc thành lập nước là cống hiến cho nhà nước, vì thế khối tài liệu đó đi theo chiều dài lịch sử của đất nước”, bà Hà Thị Ngọc Hà chia sẻ.
Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà kể, cha bà giữ gìn khối tài liệu này “hơn cả tính mạng của mình”… Trận đại hồng thủy năm 1999 nhấn chìm cố đô Huế. Nước dâng lên đến đâu, ông Hà Văn Lâu lại chuyển dần tài liệu lên nơi khô ráo đến đó. Đến lúc nước ngập ngang người, hai ông bà đã ngoài 80, 90 phải trèo lên ngồi trên bàn. Khi ấy, một thanh niên tới hỏi vọng vào “hai ông bà già còn sống không”, nghe ông lên tiếng, lực lượng cứu hộ mới đẩy bè vào cứu, đưa ra đê thành Đại Nội.
Sau này, các con vẫn nói đùa với ông rằng “ba đi chiến trường, đi hoạt động cách mạng không chết, lại suýt chết vì lũ lụt”. Chỉ vì ông giữ đống tài liệu này mà không chịu chạy lũ. Lẽ thường, khi nước vào phải lo chạy bản thân trước nhưng ông lại chạy tài liệu. Nhờ đó, giờ đây, những tài liệu này vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, không bị nước lũ làm hư hỏng.
Biết giá trị của tài liệu và tâm nguyện của cha, nhận thấy mình có trách nhiệm phải giữ gìn khối tài liệu quý này, Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà đã tặng lại cho Trung tâm Lưu trữ III như một cách gián tiếp mở ra cánh cửa lịch sử hào hùng của dân tộc trong một giai đoạn. Ở đó, những con người như ông Hà Văn Lâu là đại diện cho một thế hệ người Việt Nam vừa kiên cường, bất khuất, vừa sắc sảo, thông minh, linh hoạt khi đứng trước kẻ thù lớn của dân tộc. Ở những con người đó, lợi ích quốc gia, dân tộc luôn được đặt trước lợi ích của bản thân.
Trong câu chuyện nối dài ký ức về người cha “một đời thanh bạch, chẳng vàng son” của mình, bà Hà Thị Ngọc Hà tâm sự, sống xa ba rất nhiều, rất ít gặp, nhưng mỗi câu chuyện ông kể đều thấm sâu trong lòng bà, từ chuyện Chiến khu Việt Bắc, chuyện đàm phán Hiệp định Genève năm 1954, đến Hiệp định Paris 1973. Mỗi sự kiện, mỗi bức ảnh đằng sau nó là cả một “cuộc chiến đấu, cuộc vận lộn”…
Là người có kinh nghiệm đàm phán Hiệp định Genève, ông Hà Văn Lâu được chọn đi đàm phán Hiệp định Paris. Ông là Phó Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ 19 đến 1970. Trên mặt trận không tiếng súng - bàn đàm phán ngoại giao - không thiếu những trận đấu trí nảy lửa. Đó là những đòn cân não giữa Hà Văn Lâu với Cyrus Vance - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; với Philip Habib, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam...
Đại tá Hà Văn Lâu là người đầu tiên đi tiền trạm để chuẩn bị cho cuộc đàm phán diễn ra tại Paris. Ông cũng là người kiên quyết lập trường chỉ chấp nhận bàn tròn để cả 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cùng bình đẳng đi vào đàm phán.
Khối tài liệu gồm nhiều bút tích, bản thảo quan trọng, thể hiện phần nào hoạt động của Đại sứ Hà Văn Lâu và Nhà nước Việt Nam, có những văn bản đặc biệt giá trị về tổng kết Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ tại Paris từ năm 19 đến năm 1973; có tài liệu chưa bao giờ được công bố, tài liệu tuyệt mật, tối mật liên quan đến vòng đàm phán.
Trong số đó, có bài phát biểu tại phiên toàn thể lần thứ 53 của Hội nghị Paris về Việt Nam, ngày 5/2/1970. Kể về tội ác của Mỹ trong vụ oanh tạc ngày 28/1/1970, khi huy động 40 lần máy bay F-4 và F-105 dồn dập ném bom bừa bãi, trút điên cuồng hàng loạt rocket xuống vùng dân cư huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và huyện Ninh Hóa (Quảng Bình) gây cho nhân dân địa phương những thiệt hại về người và của; ngày 2/2/1970, nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ lại liên tiếp đánh phá một số vùng dân cư thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình), ông Hà Văn Lâu cương quyết: “Tôi thấy cần phải khẳng định một lần nữa rằng đối với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, việc Mỹ chấm dứt ném bom và mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc Việt Nam là vô điều kiện”.
Trong cuộc đấu trí kéo dài gần 5 năm tại Paris, được coi là một trong những cuộc đàm phán lịch sử của ngoại giao thế giới, những người trực tiếp trên tuyến đầu ở Paris như Hà Văn Lâu, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Duy Trinh, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Thị Bình, Hà Đăng… đã khiến cả thế giới và đối thủ của mình đi hết từ ngạc nhiên đến kính phục và chấp nhận những yêu cầu Việt Nam đưa ra, đó là chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chiến thắng thuyết phục
Trải qua 4 năm, 8 tháng, 16 ngày, với 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, cuộc đấu trí giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện đã diễn ra hết sức cam go, quyết liệt. Chiến thắng của ta trên bàn đàm phán không chỉ là chiến thắng của chính nghĩa mà còn là chiến thắng thuyết phục của trí tuệ, sách lược tài tình, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ với những chủ trương “kết hợp đánh và đàm”, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”…
Diễn ra trong hai giai đoạn, cuộc đàm phán Hiệp định Paris là bản tổng hòa những sách lược ngoại giao tài tình của Việt Nam mà người chỉ huy là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù Người đã đi xa từ năm 1969, nhưng từ lâu, những tư tưởng chỉ đạo và tiên đoán của Bác vẫn là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.
Ở giai đoạn 1, từ 25/1/1969 đến khoảng giữa tháng 7/1972, các cuộc đàm phán chưa đi vào thực chất. Giai đoạn 2 từ giữa tháng 7/1972 đến ngày 27/1/1973, đàm phán đi vào thực chất để ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, khi ta giành thắng lợi trong Chiến dịch Xuân - Hè 1972 và bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đang đến gần.
Ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Kléber, Paris, 4 bên tham gia đoàn đàm phán gồm: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã ký vào Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ngay ngày hôm sau, 28/1/1973, thỏa thuận ngừng bắn ở Việt Nam có hiệu lực.
Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam.
Sau này, Henry Kissinger, nhà thương thuyết chính về Hiệp định Paris với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trong các cuộc đàm phán bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ tại Paris từ 1970-1973, bàn về những bài học Việt Nam, đã viết: “Việt Nam là một trường hợp đặc biệt xét về mặt địa lý, sắc tộc, chính trị, quân sự và ngoại giao. Đó là điều chúng ta cần hiểu rõ và thừa nhận”… “Chúng ta phải thương lượng nội bộ và đi từ nhân nhượng này đến nhân nhượng khác, trong khi Bắc Việt Nam không hề thay đổi các mục tiêu ngoại giao mà chỉ thay đổi không đáng kể lập trường ngoại giao của họ”.
Bài 2: Những kho tàng lịch sử còn sót lại