Những dấu mốc chói lọi
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi đưa đến Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Chính vì vậy, để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ trên 800 km dải bờ biển miền Bắc từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ biển – đơn vị tiền thân của Hải quân Việt Nam. Cùng thời điểm này, Trường Huấn luyện bờ biển cũng được thành lập và lập tức thực hiện khóa huấn luyện đầu tiên. Tiếp đó là việc thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng - đây là những đơn vị chiến đấu chính quy đầu tiên của Hải quân Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 3/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ: lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Quân chủng Hải quân, tự đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu trên con đường xây dựng một quân chủng mới - Quân chủng Hải quân, một quân chủng chiến đấu bằng lực lượng binh chủng hợp thành và phương tiện kỹ thuật hiện đại, lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông nước, biển và hải đảo của Tổ quốc.
Chưa đầy 10 năm thành lập, quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập công ra quân đánh thắng trận đầu vào ngày 2 và 5/8/1964 - anh dũng đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc, bắn rơi 1 máy bay; hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Phòng không và quân, dân các địa phương ven biển miền Bắc bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, lập nên chiến công đánh thắng trận đầu. Chiến thắng này đã viết tiếp truyền thống “bách chiến, bách thắng”, đã ra quân là đánh thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chiến thắng đó chỉ là một trong những mốc son của Hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với quân dân cả nước trong hành trình vĩ đại đó, Hải quân đã nêu cao ý chí quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, làm nòng cốt phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang đánh bại chiến tranh phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của đế quốc Mỹ. Hải quân đã mở tuyến, thông luồng, nối lại tuyến vận tải đường biển chiến lược chi viện miền Nam, dũng cảm, táo bạo, kịp thời tiến công giải phóng và làm chủ quần đảo Trường Sa… góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sắt son một lòng
Bước vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, nhất là trước những diễn biến hết sức phức tạp trên biển Đông, Hải quân nhân dân Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng thường xuyên nắm chắc tình hình trên các vùng biển trọng điểm; kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo vệ được chủ quyền và các mục tiêu chiến lược, các hoạt động kinh tế biển, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.
Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2010, thực hiện chủ trương tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Hải quân nhân dân Việt Nam đẩy mạnh phát triển lực lượng, hình thành 5 vùng trải dọc chiều dài đất nước với 5 binh chủng: Tàu mặt nước; Tàu ngầm; Không quân Hải quân; Pháo binh-Tên lửa bờ; Hải quân đánh bộ và Đặc công Hải quân. Nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại được bổ sung, đưa vào khai thác hiệu quả, tạo đột phá về chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn quân chủng, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.
Ngày nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhưng Hải quân nhân dân Việt Nam luôn một lòng sắt son với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân; không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
Quân chủng Hải quân luôn nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối, chủ trương, đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm trên biển, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược; không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo và hoạt động đối ngoại quốc phòng với Hải quân các nước; tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Cùng với đó, Hải quân nhân dân Việt Nam đã thực hiện tốt công tác dân vận, tích cực tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới; luôn đi đầu trong giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo của Quân chủng Hải quân với các tỉnh thành trên cả nước là một phương thức quan trọng tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được triển khai toàn diện ở 28 tỉnh, thành có biển, đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Bộ Tư lệnh Hải quân cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.