Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) và Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm nằm trong kế hoạch xây dựng Bộ hồ sơ về 70 năm quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga, do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì thực hiện, nhằm giữ gìn, phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước; tôn vinh những đóng góp to lớn, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo hai nước, hai quân đội Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga trong xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá về những thành tựu, kết quả, bài học kinh nghiệm quý giá trong suốt chiều dài 70 năm quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị, được thử thách qua thời gian, qua đó góp thêm những thông tin, tư liệu và khẳng định sự đóng góp to lớn, hiệu quả của hợp tác đào tạo Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam, nhất là xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nêu rõ, trong mỗi bước đường phát triển của Việt Nam luôn có dấu ấn của mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng khẳng định "Đây chính là tài sản vô giá mà lãnh đạo, nhân dân Việt Nam quyết tâm gìn giữ, phát huy, là tiền đề đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả".
Là người đầu tiên của Việt Nam, của châu Á bay vào vũ trụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động Việt Nam, Anh hùng Liên Xô (người Việt Nam duy nhất ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng), Trung tướng Phạm Tuân đã chia sẻ về sự giúp đỡ to lớn, toàn diện và hiệu quả của Liên Xô/Liên bang Nga, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện phi công quân sự với Việt Nam.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng của nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là nhờ sự giúp đỡ to lớn, toàn diện, hiệu quả của nước bạn.
Trung tướng Phạm Tuân nhắc lại sự giúp đỡ của Liên Xô trong lĩnh vực đào tạo, huấn luyện phi công quân sự cho chiến đấu từ năm 1956 khi đoàn 110 cán bộ đầu tiên được cử sang Liên Xô đào tạo về hàng không. Những năm sau đó, Bộ Quốc phòng liên tục cử các đoàn học viên sang Liên Xô đào tạo, huấn luyện về không quân, chuẩn bị lực lượng phi công quân sự cho chiến đấu. Do mặt bằng chung của học viên Việt Nam thấp hơn so với học viên phi công các nước khác nên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của Việt Nam, Liên Xô đã biên soạn một chương trình huấn luyện bay riêng; ưu tiên những giáo viên giỏi nhằm nhanh chóng đào tạo, đưa phi công về nước tham gia chiến đấu.
Bất chấp khó khăn, nguy hiểm, với tình cảm quốc tế cao cả, tình đoàn kết thủy chung, bạn đã tổ chức cho học viên học tập trong điều kiện tốt nhất. Kết quả, trong 447 học viên đào tạo ở Liên Xô, đã có 220 phi công tiêm kích tốt nghiệp, chiếm gần một nửa số phi công chiến đấu của Việt Nam. Các phi công tốt nghiệp đã kịp thời bổ sung cho các đơn vị, tham gia chiến đấu dũng cảm, sáng tạo ra nhiều cách đánh hay. "Các chuyên gia, phi công của bạn không những đổ mồ hôi, công sức mà còn đổ máu cho những thắng lợi của Không quân nhân dân Việt Nam nói riêng, cũng như nhân dân Việt Nam nói chung. Nếu không có tình yêu với đất nước, con người Việt Nam thì bạn không giúp đỡ chúng ta chí tình, chí nghĩa đến như vậy. Đó là một tình bạn đặc biệt sâu sắc giữa Liên Xô/Liên bang Nga - Việt Nam", Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: "Có lẽ không có quan hệ nào trải qua được thăng trầm như thế, từ khó khăn gian khổ, hàn vi, cho đến nay, trong quan hệ quốc tế có lẽ chỉ có quan hệ Việt Nam - Liên Xô/Liên bang Nga".
Đại tá Hoàng Văn Lợi, Phó Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp chỉ rõ, trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Tăng thiết giáp luôn có sự giúp đỡ to lớn của bạn trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng, nhất là hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị kỹ thuật... góp phần duy trì ổn định, hòa bình, phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.
Theo đó, từ năm 1960 đến năm 1990, Việt Nam được Liên Xô viện trợ rất nhiều chủng loại vũ khí, trang bị, vật tư kỹ thuật tăng thiết giáp như xe tăng, pháo tự hành, xe dắt, các loại xe bảo đảm kỹ thuật, xe bắc cầu, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp lốp... cùng hàng trăm ngàn tấn đạn dược, phụ tùng, vật tư kỹ thuật. Ngoài sự giúp đỡ, viện trợ to lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật, Liên Xô còn cử các chuyên gia, cố vấn sang trực tiếp hỗ trợ huấn luyện, đào tạo chuyên ngành tăng thiết giáp cho Việt Nam. Các chuyên gia Liên Xô là những người có chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị, tinh thần quốc tế vô sản giữa hai nhà nước và hai quân đội. Đến nay, các hệ thống, trang thiết bị kỹ thuật, nhà xưởng mà Liên Xô viện trợ và giúp ta xây dựng vẫn phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, chất lượng huấn luyện.
Điểm nhấn trong những năm gần đây, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Quân đội Liên bang Nga, khi sang thi đấu các kỳ Army Games, bạn đã tạo điều kiện cho ta mượn trang bị, thao trường, nơi ăn ở, với điều kiện tốt nhất, từ đó giúp Việt Nam qua 3 mùa hội thao đã giành được Huy chương Vàng bảng 2, mang vinh dự về cho Tổ quốc, Quân đội và Binh chủng. Đồng thời, Hội thao đã giúp cán bộ, chiến sĩ xe tăng trưởng thành hơn về khả năng thao tác, sử dụng, bảo dưỡng trang bị vũ khí hiện đại.
Các đại biểu đều khẳng định, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga là ưu tiên quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó hợp tác quốc phòng là một trụ cột, hợp tác đào tạo là một điểm sáng. Đặc biệt, hợp tác đào tạo trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng dựa trên nền tảng quá khứ tốt đẹp đã và đang ghi nhiều dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng nói riêng, quan hệ hai nước nói chung.