Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Cairo, phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công đã điểm lại lịch sử, ôn lại những mốc son hào hùng của dân tộc và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, cũng như thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập và phát triển. Với môi trường chính trị và xã hội ổn định, sức mạnh quốc gia càng được nâng cao và tạo tiền đề để Việt Nam phát triển và ghi dấu ấn trên trường thế giới. Đại sứ Trần Thành Công cho rằng, quan hệ Việt Nam và Ai Cập đang trên đà phát triển rất tốt. Việt Nam tự hào khi luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Ai Cập.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về công tác đẩy mạnh truyền thông và vun đắp "nhịp cầu" văn hóa giữa Việt Nam và Ai Cập, Đại sứ Trần Thành Công cho rằng đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Hoạt động tuyên truyền và quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình Ai Cập đã liên tục được triển khai trong thời gian vừa qua. Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Với vị thế đó, đây là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, giúp bạn bè Ai Cập hiểu rõ hơn về đất nước con người Việt Nam, cũng như những thành tựu ngoại giao của nước ta trên trường quốc tế.
Do khoảng cách địa lý xa xôi, trước đây, bạn bè Ai Cập khi nhắc tới Việt Nam hầu như chỉ biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tương tự, bản thân nhiều người dân Việt Nam cũng chỉ nhớ về hình ảnh Kim Tự Tháp biểu tượng của Ai Cập. Vì vậy, thông qua những chương trình quảng bá và thúc đẩy văn hóa song phương, công chúng Ai Cập đã đánh giá cao những thành tựu kinh tế và đối ngoại của Việt Nam. Một khi người dân Ai Cập ngày càng hiểu biết hơn về Việt Nam, đó chắc chắn sẽ là động lực lớn để thúc đẩy quan hệ hai nước vươn tới tầm cao mới.
Theo Đại sứ Trần Thành Công, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến khó lường không chỉ tại Ai Cập mà còn trên quy mô toàn cầu, công tác tuyên truyền và quảng bá giữa hai nước cũng cần có những cải tiến để có thể sẵn sàng thích ứng với tình hình mới.
Trong khi đó, nhà báo Rawnaa Al-Masry của kênh truyền hình Nile Cultural cho rằng, quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Ai Cập có bề dày lịch sử với nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ. Bản thân bà cũng dành tình cảm quý mến đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam. Theo bà Rawnaa, con người Việt Nam rất tốt bụng và có nhiều điểm tương đồng với văn hóa và con người Ai Cập, đặc biệt là những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Do đó, công tác truyền thông văn hóa, du lịch và thương mại sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc thẩy quan hệ song phương.
Với góc nhìn tương tự, phát thanh viên Marwa Sultan đến từ Đài phát thanh Ai Cập chia sẻ tại buổi lễ rằng bà rất yêu mến những nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam, đặc biệt là trang phục Áo Dài của phụ nữ Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa hai nước trên các nền tảng truyền thông của nhau chính là công cụ hiệu quả để giúp người dân hai nước gắn kết hơn nữa. Bà Sultan mong muốn có cơ hội đến thăm Việt Nam trong thời gian tới để có thể hiểu biết rõ hơn về "đất nước hình chữ S", từ đó có thể giới thiệu những nét đẹp của Việt Nam tới các thính giả Ai Cập.
Buổi lễ mừng Quốc khách diễn ra trong bầu không khí ấm áp. Các quan khách đã cùng thưởng thức các thước phim về hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, các tiết mục văn nghệ như múa nón, cũng như trải nghiệm ẩm thực Việt Nam qua những món ăn truyền thống.