Quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. GDP bình quân đầu người đạt gần 2.800USD/người, gấp 1,32 lần năm 2015. Dự kiến năm 2020, GDP bình quân đầu người sẽ vượt 3.000 USD, đạt mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 đề ra.
Thoát ra từ nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến, thấp kém
Giai đoạn 1945 - 1954 là giai đoạn đầu tiên xây dựng chế độ kinh tế mới ở Việt Nam và cũng là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước ta. Nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong thế bị bao vây, cô lập, phải đối phó với nhiều loại kẻ thù. Đảng, Chính phủ đã nêu cao thiện chí và chính nghĩa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, nỗ lực tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực, các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam.
Cùng với nhiệm vụ thực hiện cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, nước ta đã thực hiện chuyển nền kinh tế tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém thành nền kinh tế dân chủ, độc lập phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc. Các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng từng bước được cải thiện. Sản lượng lương thực quy thóc năm 1954 ở vùng giải phóng đạt trên 2,9 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946.
Giai đoạn 1955 - 1975, đất nước bị chia cắt, nền kinh tế hai miền Nam, Bắc có nhiều điểm khác nhau. Kinh tế miền Bắc thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như: khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, tạo cơ sở kinh tế và chính trị vững chắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội (thời kỳ 1955 - 1957); cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế (thời kỳ 1958 - 1960); thực hiện đường lối phát triển kinh tế trong bối cảnh miền Bắc có chiến tranh (thời kỳ 1961 - 1975). Trong khi đó nền kinh tế miền Nam phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng; tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa tăng với tốc độ cao.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) đã xác định: "Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta". Thu nhập bình quân đầu người của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp năm 1970 đã tăng 20% so với năm 1965. Năm 1975, ở miền Bắc, tổng sản phẩm xã hội gấp 2,3 lần so với năm 1960, thu nhập quốc dân gấp 1,9 lần. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp gấp 3,4 lần.
Quan hệ thương mại giữa miền Bắc nước ta với các nước trên thế giới cũng được mở rộng, từ 10 nước (trong đó có 7 nước xã hội chủ nghĩa) trong năm 1955, đến năm 1965, đã tăng lên 35 nước (trong đó có 12 nước xã hội chủ nghĩa).
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (giai đoạn 1976 - 1985), cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nhân dân sôi nổi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980) và kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985). Mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta thời kỳ trước đổi mới có nhiều hạn chế, thậm chí có những dấu hiệu khủng hoảng.
Bước chuyển mình thực sự của Việt Nam, tạo được dấu ấn và nhiều thành tựu bước đầu quan trọng là vào năm 1986, sau khi công cuộc đổi mới đất nước được Đảng ta khởi xướng. Thời điểm đó, Việt Nam bị khó khăn bủa vây. Cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền trước đó bộc lộ nhiều khuyết điểm khiến nền kinh tế xuống dốc, lạm phát có thời gian lên tới trên 700% khiến hơn 7 triệu người thiếu đói. Đất nước bị cấm vận, nguồn viện trợ từ các nước trong khối xã hội chủ nghĩa bị cắt giảm.
Nhìn thấu yêu cầu đổi mới, không có con đường nào khác là phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, thực hiện phân cấp quản lý theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, phát huy vai trò của khoa học kỹ thuật, mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, trên cương vị là Tổng Bí thư từ năm 1986 - 1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội VI đã quyết định tập trung đổi mới từ nền kinh tế quốc doanh, tập thể chuyển sang kinh tế nhiều thành phần; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Khâu lưu thông, phân phối được đổi mới. Nhiều mô hình mới xuất hiện, đặc biệt là Nghị quyết 10 (Khoán 10) về khoán sản phẩm đã tạo ra một cú hích mạnh mẽ làm nông nghiệp bừng tỉnh; bãi bỏ chế độ tem phiếu thúc đẩy nhiều mô hình làm ăn được "bung" ra, đời sống nhân dân dần khởi sắc. Từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới. Đến năm 1995, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995) hoàn thành vượt mức, sự nghiệp đổi mới đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của 10 năm 1990 - 2000 đạt 7,5%.
Bước vào nền kinh tế mở và hội nhập quốc tế
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2006 - 2010 cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD (gấp 3,26 lần so với năm 2000). Những kết quả này đã tạo đà cho giai đoạn 2011 - 2020 duy trì ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,8%/năm. Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 80 tỷ USD vào năm 2020. Sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Năm 2013 - 2014, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế. 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014 - 2016.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN trước thềm Xuân Canh Tý, đồng chí Vương Đình Huệ (lúc đó giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ) nhận định, năm 2019, bất chấp những biến động bất thường của kinh tế thế giới, sự suy giảm của đầu tư và thương mại toàn cầu, nền kinh tế nước ta vẫn phát triển rất ấn tượng, năm thứ 3 liên tiếp chúng ta hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển về kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đặc biệt ấn tượng có thể nói là vấn đề tăng trưởng.Tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,02%, là một trong những nước có tăng trưởng cao nhất của khu vực cũng như trên thế giới. Trong điều kiện nhiều nước, nhiều nền kinh tế lớn suy thoái, không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm, chúng ta đã có mức tăng trưởng rất ấn tượng.
Cùng với quá trình ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế, các chính sách xã hội cũng được quan tâm hơn, đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua các năm, kể cả khu vực nông thôn và thành thị, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015), từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người năm 2010 lên khoảng 3.000 USD/người năm 2020.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh ước đạt 96%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường ước năm 2020 là 90%. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020.
Con đường đi tới một Việt Nam thịnh vượng
6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta, toàn bộ hệ thống chính trị đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng. Trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng 1,81%.
Trong Báo cáo Điểm lại tháng 7/2020, một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 30/7, cơ quan này nhận định, dù chịu cú sốc lớn do dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia năng động, nền kinh tế vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi. Quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Stefanie Stallmeister nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới.
Theo dự báo mới nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo trên cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh trong khủng hoảng COVID-19 sớm hơn, Việt Nam có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước.
Con đường đi tới một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ đã được hoạch định với từng mốc thời gian. Chiến lược cho 10 năm tới, với mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập ở nhóm nước trung bình cao trên thế giới với GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt 8.000 - 9.000 USD/người. Đến năm 2045, với dấu mốc 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp, phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và có mức thu nhập cao trên thế giới.
Bài 3: Kiên định mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững