Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhân dân Việt Nam, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, đã xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững chắc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ nền hòa bình bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời duy trì sức mạnh quốc phòng - an ninh cần thiết, sẵn sàng đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược.
Xây dựng toàn diện nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân
Nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.
Công tác phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến đơn vị cơ sở. Các đơn vị Quân đội, Công an đã chủ động phối hợp để tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được xây dựng thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện.
Đảng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; “Chiến lược Quân sự Việt Nam”; “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; “Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia”; “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”.
Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh: Luật An ninh quốc gia, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân…
Đây là những bước tiến quan trọng, nhằm thể chế hóa đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.
Củng cố tiềm lực an ninh - quốc phòng
Với tiền thân là các đội vũ trang của quân khởi nghĩa Nam Kỳ, các đội Cứu quốc quân ở Việt Bắc… xuất hiện trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, lực lượng Quân đội và Công an đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành và lập nên nhiều kỳ tích trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược (1945 - 1975) cũng như trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng trung kiên bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cũng là lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp sức xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường “trận địa lòng dân”, chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa - dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đồng thời làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, tấn công làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hoạt động cơ hội chính trị, các loại tội phạm hình sự; tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục thiên tai.
Cùng với xây dựng bộ đội chủ lực vững mạnh, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, rộng khắp. Lực lượng dân quân tự vệ biển được tập trung xây dựng, củng cố, thực sự trở thành lực lượng quan trọng phối hợp cùng các lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Bên cạnh đó, dân quân tự vệ, công an viên là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở cơ sở.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh
Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng - an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Tính đến năm 2019, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam, trong đó 28 nước thường trú và 22 nước kiêm nhiệm. Đến nay, Quân đội đã cử 40 lượt cán bộ và tổ chức hai bệnh viện dã chiến cấp 2 (mỗi bệnh viện trên 60 quân nhân) sang tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Các sĩ quan của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc đánh cao, đồng thời tạo được hiệu ứng tốt trong Quân đội cũng như trong quần chúng nhân dân. Sắp tới, Việt Nam tiếp tục cử 10 sĩ quan lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Cục Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ), Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
Bên cạnh hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương trên kênh quốc phòng ASEAN (ADMM/ADMM+), kênh hợp tác quân sự ASEAN, kênh hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN) và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có thể kể đến một số chương trình quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp); Hội nghị các quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM), Các cuộc họp nhóm giữa kỳ ARF về xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa (ISG-CBM&PD), Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn...
75 năm là cả một quá trình phấn đấu hy sinh đầy gian khổ, không tiếc của cải và cả xương máu của dân tộc, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để bảo vệ, xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Ngày nay, đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, Việt Nam trở thành một quốc gia ngày càng có uy tín trên trường quốc tế.
Có thể nói, 75 năm qua, thành tựu lớn nhất trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh là chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị - xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng, phát triển đất nước.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Môi trường chính trị, an ninh, kinh tế xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn mới, tác động nhanh, mạnh và bất ngờ. Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam gắn kết chặt chẽ hòa bình, lợi ích quốc gia - dân tộc với hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Đồng thời với mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng có tính chất hòa bình, tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; chủ trương củng cố, phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng răn đe, đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh.
Để trở thành lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thời gian tới, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục được đầu tư các nguồn lực cần thiết để làm nòng cốt cho nền quốc phòng toàn dân, củng cố thế trận an ninh nhân dân, đủ khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích quốc gia - dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng - an ninh; tìm kiếm giải pháp lâu dài để giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa vì mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Bài cuối: Nâng tầm vị thế Việt Nam