93 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Theo Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 18/7, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19; 10 bệnh nhân âm tính với vi rút SARS-CoV-2 từ 1-2 lần trở lên.

Đến thời điểm này Việt Nam vẫn chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19. Đã 93 ngày, từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 18/7, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả 242 ca mắc COVID-19 từ bên ngoài đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Cả nước hiện có 13.765 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, 89 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 13.190 người được cách ly tập trung tại cơ sở khác; 486 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Chú thích ảnh
Ngày 17/7/2020, tỉnh Hòa Bình tiếp nhận và cách ly tập trung 85 công dân Việt Nam là các du học sinh đang học tập tại nước ngoài trở về vào khu cách ly tập trung. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho thấy, tại Việt Nam đã có 357 ca trong tổng số 1 trường hợp mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, không có ca tử vong.

Các bệnh nhân còn lại hiện đang được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế trong cả nước. Trong số này hiện có 6 ca âm tính lần 1 với vi rút SARS-CoV-2 và 4 ca âm tính từ 2 lần trở lên.

37 tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch bệnh

Với mục tiêu hướng dẫn bệnh viện triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đáp ứng tốt với các yếu tố nguy cơ dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”.

Bộ tiêu chí cung cấp công cụ và đánh giá thực trạng công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của bệnh viện; định hướng cho bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để hoạt động khám chữa bệnh an toàn, phòng chống lây nhiễm cho người bệnh, nhân viên y tế. Đồng thời, góp phần bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm dịch COVID-19, các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp từ cộng đồng và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.  

Song song với đó là bảo đảm duy trì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong và sau khi tiếp nhận người nghi nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp hoặc dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn khống chế dịch bệnh. Bệnh viện cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Bệnh viện không chỉ đối phó với dịch COVID-19 mà còn đối mặt với các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác đang tiềm ẩn trong cộng đồng như bệnh cúm, bệnh sởi, bệnh ho gà, bệnh bạch hầu, bệnh do não mô cầu…  Chính vì vậy, bệnh viện cần quan tâm ưu tiên đối phó với dịch COVID-19 trong giai đoạn trước mắt và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác về mặt lâu dài, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, chất lượng.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ quân y của Trung đoàn Bộ binh 126 đo thân nhiệt cho các công dân tại khu cách ly. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN.

Bộ Tiêu chí “Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” được xây dựng và ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện đánh giá thực trạng công tác chuẩn bị, ứng phó với dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác, giúp bảo vệ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế phòng ngừa lây nhiễm. Trên cơ sở thực hiện hoạt động đánh giá theo Bộ tiêu chí này, bệnh viện sẽ xác định được những vấn đề ưu tiên để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn trong bối cảnh xảy ra dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khác.

"Cục Quản lý khám, chữa bệnh được giao là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai Bộ tiêu chí; tổng hợp kết quả tự đánh giá của các bệnh viện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế", Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết.

Bộ tiêu chí gồm 37 tiêu chí, được chia làm 8 chương. Tổng số điểm của 37 tiêu chí là 150 điểm. Bộ Tiêu chí phân ra 3 loại bệnh viện gồm:

Bệnh viện an toàn có tổng điểm đạt trên 75% điểm tối đa và không có tiêu chí nào ở mức 0 điểm.

Bệnh viện an toàn ở mức thấp có tổng điểm đạt từ trên 50% đến dưới 75% điểm tối đa và không có tiêu chí nào ở mức 0 điểm. Bệnh viện không an toàn có tổng điểm đạt dưới 50% hoặc bất kỳ tiêu chí nào 0 điểm.

Bệnh viện tự đánh giá và nhập điểm trên phần mềm trực tuyến theo đường dẫn: http//covid19.chatluongbenhvien.vn.

Sau khi thực hiện đánh giá, các bệnh viện rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện trong quá trình đánh giá. Đồng thời xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề tồn tại; thực hiện các giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng chống dịch của bệnh viện, bảo đảm cho bệnh viện khám chữa bệnh an toàn trong tình huống dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng.

Hơn 35 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Sau 2 tháng triển khai chủ trương giảm giá điện, hỗ trợ khách hàng sử dụng điện bị tác động bởi dịch COVID-19, tỉnh Gia Lai đã thực hiện giảm hơn 35 tỷ đồng cho người dân trên địa bàn.  Theo đó, Công ty Điện lực Gia Lai đã thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện ngay từ tháng 4/2020 theo chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai và Bộ Công Thương.

Chú thích ảnh
Điện lực Gia Lai tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Tính đến hết tháng 6/2020,  tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ giá điện cho gần 30.000 khách hàng sản xuất, kinh doanh được giảm 10% giá bán lẻ điện và hơn 355.000 khách hàng sinh hoạt được giảm 10% giá điện của bốn bậc thang đầu.

Ngoài ra, Công ty Điện lực Gia Lai còn thực hiện giảm 100% tiền điện với 5 cơ sở cách ly tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% tiền điện với 14 cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Thời gian hỗ trợ được tính từ tháng 4 đến tháng 7/2020, đảm bảo thực hiện đủ các kỳ hóa đơn trong vòng 3 tháng (kể từ kỳ hoá đơn gần nhất tính từ ngày 16/4/2020) theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương. Do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do không xuất bán được hàng hóa, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, các cơ sở dịch vụ, hoạt động vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… phải đóng cửa trong giai đoạn cách ly toàn xã hội dẫn đến thương phẩm bị giảm sút.

Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, thương phẩm chỉ tăng 2,81% so với cùng kỳ, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn này là khoảng 9%/năm).

Việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong tháng 4-5/2020 cũng làm giảm doanh thu của Điện lực Gia Lai khoảng 18,25 tỷ đồng. Năm 2020, Điện lực Gia Lai được giao quản lý đầu tư xây dựng 43 công trình với tổng nguồn vốn hơn 144 tỷ đồng.

Hiện, có 3 công trình dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 7/2020: hoàn thiện, chống quá tải lưới điện khu vực Nam Pleiku năm 2020; di dời lưới điện phục vụ thi công chỉnh trang đô thị huyện Chư Sê; đầu tư bổ sung trang thiết bị hệ thống Hội nghị trực tuyến qua truyền hình tại phòng họp Điện lực Gia Lai.

V.T/Báo Tin tức
Chứng khoán Việt Nam: 'Lửa thử vàng' qua khủng hoảng COVID-19
Chứng khoán Việt Nam: 'Lửa thử vàng' qua khủng hoảng COVID-19

Với 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, song cũng có không ít thăng trầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN