Ông Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.640 kiến nghị cử tri. Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.
Nội dung kiến nghị cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Nông nghiệp, nông thôn; Giáo dục, đào tạo... Đến nay, có 2.596/2.640 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 98,3%.
Cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 và tổ chức 2 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới mạnh mẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đối với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nhiều vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của nhân dân, được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm như: công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID - 19…
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ: Nhìn chung, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để quản lý, điều hành. Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống của nhân dân về cơ bản ổn định.
Sự giải quyết nhanh chóng, kịp thời của các bộ, ngành thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống của người dân cũng như trách nhiệm cao của các bộ, ngành trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình. Một số kiến nghị cụ thể đã được nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị nội dung còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời. Một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành còn trả lời kiến nghị cử tri chưa đúng thời hạn nên đại biểu Quốc hội chưa có thông tin để báo cáo trước cử tri khi tiếp xúc cử tri. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết. Một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Đáng chú ý, kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do còn có sự vướng mắc, thiếu thống nhất giữa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri theo quy định.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, khẩn trương giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, trả lời cử tri. Ngoài ra, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành; bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ban hành hoặc xây dựng trình ban hành.