Theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai các hoạt động trong nhiệm kỳ Bộ Nội vụ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (ACCSM) lần thứ 21, hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng, ACCSM 21 là Hội nghị cấp cao những người đứng đầu nền công vụ ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các nước đối tác, đối thoại và Diễn đàn về quản trị đất nước tốt.
Bộ Nội vụ đã tổ chức thành công Hội nghị; quán triệt thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác tổ chức đảm bảo tính khoa học, an toàn, tiết kiệm, không lãng phí, thể hiện sự mến khách và thiện chí của đất nước, con người Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tế, khẳng định vai trò, trách nhiệm của nước chủ nhà trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21. Thông qua Hội nghị, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò nước chủ nhà, củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, nội dung xuyên suốt trao đổi tại các cuộc họp tập trung vào việc tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thành trong Kế hoạch làm việc ACCSM 2016-2020 bị hoãn lại do dịch COVID-19; Kế hoạch làm việc ACCSM 2021-2025 và Kế hoạch làm việc ACCSM+3 2021-2025; thảo luận về các thách thức đặt ra đối với nền công vụ ASEAN giai đoạn hậu COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với sự nổi lên của các thách thức mới chưa từng có tiền lệ. Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác ASEAN trong tình hình mới; gắn ứng dụng công nghệ thông tin như một phương tiện hiệu quả đổi mới cách thức làm việc trong nền công vụ, góp phần hiện đại hóa nền công vụ các nước ASEAN, đáp ứng với các xu thế và thách thức mới hiện nay; tăng cường hợp tác với các nước +3 của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc); tiếp tục triển khai thực hiện vai trò Điều phối của ACCSM trong Diễn đàn về quản trị đất nước tốt.
Liên thông giữa khu vực công và tư còn nhiều khó khăn
Trong khuôn khổ ACCSM 21, tại Diễn đàn về quản trị đất nước tốt ngày 4/8, đại diện Trường Công vụ Singapore đã nêu lên kinh nghiệm về việc luân chuyển cán bộ linh hoạt trong hệ thống công chức, đó là cán bộ của bộ này có thể đi thực hiện chương trình, dự án ngắn hạn của bộ kia. Hay để duy trì nhân tài, Singapore có giải pháp cho cán bộ đi biệt phái ở các hãng hàng không, ngân hàng 2 năm để họ học được những kỹ năng trong giới doanh nghiệp, sau đó có thể quay về cơ quan công quyền làm việc. Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về việc mô hình này có được tính toán áp dụng ở Việt Nam và nếu áp dụng sẽ gặp khó khăn gì, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, ở Việt Nam hiện nay, việc liên thông giữa khu vực công và tư còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tuấn Ninh chia sẻ, Hội nghị ACCSM 21 có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhất là đối với đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ về công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức như Vụ Công chức, Viên chức. “Qua Hội nghị, nhất là Diễn đàn, chúng tôi thấy tự tin hơn về những vấn đề chúng tôi đang tiến hành tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng nền công vụ Việt Nam, chúng ta đã đi theo hướng chung của tất cả các nước. Đó là xây dựng nền công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức năng động, chuyên nghiệp, sáng tạo và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thách thức mới. Chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều nội dung của các nước bạn”, ông Ninh nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ninh, Việt Nam thực hiện việc luân chuyển theo quy định của Đảng và chỉ luân chuyển trong hệ thống chính trị. Việc biệt phái thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Thực tế, chúng ta mới cơ bản thực hiện biệt phái trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước, chưa đưa ra ngoài khu vực công được nhiều.
“Ở các nước bạn như Singapore, Australia, sự liên thông giữa công và tư khá rõ ràng, họ làm rất tốt. Nhưng ở Việt Nam chúng ta hiện nay, việc liên thông giữa công và tư còn gặp rất nhiều khó khăn”, ông Ninh cho biết.
Phân tích của Vụ trưởng này cho thấy, khó khăn đầu tiên là vấn đề chế độ chính sách, đặc biệt là tiền lương. Ở nước bạn, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và tiền lương của những người làm việc ở khu vực tư khá tương đồng, nên dễ dàng biệt phái từ khu vực công sang khu vực tư và ngược lại.
Nhưng ở nước ta, khi biệt phái về lĩnh vực tư, như ngân hàng, còn nhiều khó khăn. Khi cử đi biệt phái, cơ quan cử đi là cơ quan phải trả lương, thực hiện các chế độ, chính sách. Cán bộ, công chức được cử đi biệt phái ở khu vực tư thì lương vẫn do cơ quan nhà nước trả, vì vậy chưa tương đồng khi họ ra khu vực tư làm. Đó là khó khăn rất lớn.
Hiện Vụ Công chức, viên chức đang giúp Bộ trưởng rà soát các quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức, viên chức. Ông Ninh khẳng định sẽ theo hướng hiện đại hóa nền công vụ gắn với cải cách chính sách tiền lương.
Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đã triển khai, Bộ Nội vụ đang tiếp tục tập trung thực hiện, nhưng do những khó khăn về kinh tế, nhất là sau đại dịch COVID-19, vì vậy vừa qua, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ, để trình Hội nghị Trung ương lùi thời gian cải cách chính sách tiền lương vào một thời điểm thích hợp. Nếu triển khai được theo đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW thì vấn đề đổi mới quản lý cán bộ, công chức, viên chức, cũng như vấn đề liên thông giữa công và tư sẽ thực hiện thuận lợi hơn.
Đãi ngộ về tiền lương
Trước câu hỏi của báo giới về việc các chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam đã đủ để người tài hào hứng tham gia vào nền công vụ của nước nhà, vị Vụ trưởng này chia sẻ “đây là vấn đề chúng tôi rất trăn trở”.
Hiện Vụ Công chức, viên chức đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ xây dựng Đề án về Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài và đang đi đến những khâu cuối cùng để hoàn thiện, trình lãnh đạo bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hội thảo, xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia trước khi trình Thủ tướng.
Thông tin được ông Nguyễn Tuấn Ninh đưa ra là Việt Nam hiện đứng thứ 82/134 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu trong nhóm 36 quốc gia có thu nhập trung bình thấp của thế giới. Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015 đã khẳng định “nhân tài, chứ không phải vốn, sẽ là yếu tố chính liên kết sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong thế kỷ XXI”.
Ông cho biết, quan điểm, chủ trương về thu hút, trọng dụng nhân tài đã được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước... Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đãi ngộ đối với nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách thu hút nhân tài như Thành phố Hồ Chí Minh đã làm. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa đạt được như mong muốn.
Nêu thực tế việc xây dựng đề án này rất khó, ông Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, tại Diễn đàn về quản trị đất nước tốt, Chủ tịch Ủy ban Công vụ của Singapore cũng có ý kiến đây là vấn đề khó, bản thân Singapore thực hiện nội dung này cũng chưa đạt được như mong muốn. Bộ Nội vụ dự kiến đề ra 7 giải pháp lớn, trong mỗi giải pháp lại có những nhiệm vụ rất cụ thể để triển khai thực hiện và hy vọng thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thông qua đề án này.
“Khi xây dựng đề án về chiến lược thu hút nhân tài, chúng tôi thấy khi và chỉ khi chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp đó thì việc thu hút nhân tài mới có thể thành công được. Ngoài ra, chúng ta phải cải cách được chính sách tiền lương, để làm sao giữa khu vực công và tư, chính sách tiền lương phải tương đồng theo đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW. Khi đó, việc thu hút và trọng dụng nhân tài của chúng ta mới đạt kết quả”, ông Ninh phân tích.
Ông cũng thông tin thêm, Nghị quyết của Đảng xác định phải có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài của đất nước. Vì vậy, khi xây dựng chiến lược này, Bộ Nội vụ đã mạnh dạn đề ra một số giải pháp mang tính đột phá để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Qua phân tích các cuộc khảo sát, nghiên cứu, để thu hút nhân tài làm việc, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, ngoài các điều kiện về môi trường sống, môi trường làm việc, thì đãi ngộ về tiền lương, thu nhập là nhân tố đặc biệt quan trọng để thu hút, giữ chân nhân tài.