Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN và Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2025. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại London dẫn bài viết đăng nhận định của nhà phân tích Jayant Rikhye thuộc ngân hàng HSBC (Anh) trên tờ báo trên cho hay: Hiện nay 10 nước thành viên ASEAN có GDP hàng năm tổng cộng hơn 2.500 tỷ USD, cao hơn khoảng 25% GDP của Ấn Độ và xấp xỉ của Anh. Nếu tính ASEAN là một nền kinh tế và khu vực này tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng hiện nay, ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050.
Dân số của khối này khoảng 625 triệu người, gần gấp đôi dân số của Mỹ. Các nước thành viên ASEAN thu hút vốn đầu tư từ các công ty lớn trên toàn cầu, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và thương mại thế giới. Năm 2014, các nền kinh tế ASEAN thu hút tổng cộng 136 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt số vốn FDI 128 tỷ USD của Trung Quốc trong cùng thời gian này.
Ngày 31/12/2015, AEC sẽ chính thức được thành lập, đánh dấu bước tiến quan trọng đối với ASEAN trên con đường tiến tới một thị trường duy nhất, tiếp thêm động lực mới cho nền kinh tế khu vực trong năm 2016, đồng thời bộc lộ rõ tiềm năng của khu vực này. AEC hướng tới mục tiêu tự do hóa các dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và vốn, và lao động lành nghề, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
AEC được xây dựng trên nền tảng đã được tạo dựng trong nhiều thập niên kể từ khi ASEAN được thành lập năm 1967. Với bề dày 48 năm hình thành và phát triển, thương mại hàng hóa tự do đã được tạo lập một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn còn nhiều việc phải làm để dỡ bỏ các rào cản, trong đó có các rào cản phi thuế quan như ngôn ngữ và yêu cầu về an toàn. Những yếu tố này đang cản trở các dòng chảy như dòng chảy dịch vụ cũng như gây khó khăn cho việc giảm chi phí giao dịch tài chính xuyên biên giới.
Nếu các nước ASEAN có thể hoàn thiện các bước tiếp theo trong tiến trình thúc đẩy hội nhập khu vực sau khi AEC được thành lập, GDP của khối ước tính có thể sẽ tăng 5% vào năm 2030. Điều đó có ý nghĩa không nhỏ vào thời điểm sự sa sút về giá hàng hóa nguyên liệu gây thiệt hại cho nhiều nước trong khu vực, trong khi kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Thêm vào đó, mặc dù còn phải mất nhiều năm nữa trước khi có thể đạt được mục tiêu hội nhập khu vực và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, song triển vọng AEC có thể giúp ASEAN “dệt” nên câu chuyện thành công trong dài hạn là rất “hứa hẹn”, dựa trên ba yếu tố sau:
Thứ nhất, ASEAN ngày càng trở nên hấp dẫn trong vai trò là “địa chỉ” chế tạo của thế giới. Ưu thế này trước đây thuộc về Trung Quốc, nước vốn được mệnh danh là “công xưởng chế tạo của thế giới”, song tình thế này đã thay đổi khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang hướng dựa vào sự phát triển của lĩnh vực chế tạo giá trị gia tăng và công nghệ cao và lĩnh vực dịch vụ.
Điều này có nghĩa là các hoạt động chế tạo truyền thống, sử dụng nhiều lao động tại Trung Quốc trước đây đang được chuyển sang các quốc gia ASEAN. ASEAN hiện đã là một trung tâm chế tạo chủ chốt, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và ô tô. Hãng chế tạo ô tô số một Nhật Bản - Toyota Motor Corporation mỗi năm sản xuất trên 700.000 chiếc ô tô tại Thái Lan và 400.000 chiếc tại Indonesia. Công ty hóa chất BASF của Đức hiện có sáu nhà máy sản xuất tại Malaysia. Tập đoàn General Electric của Mỹ có trên 60 nhà máy và 7.600 nhân viên trên toàn khu vực ASEAN.
Thứ hai, chi tiêu tiêu dùng tại khu vực này đang gia tăng nhanh chóng. Dân số ASEAN hiện bằng một nửa của Trung Quốc hay của Ấn Độ, song 15 năm nữa, khu vực này sẽ có thêm 120 triệu dân. Điều đáng nói là các nước Đông Nam Á có sức ảnh hưởng ngày một lớn.
Năm 2010, GDP trên đầu người khoảng 3.000 USD. Tuy nhiên, các nước thành viên ASEAN đang nhắm tới mục tiêu nâng GDP trên đầu người lên trên 9.000 USD vào năm 2030. Sức tiêu thụ ngày càng tăng đang đưa khu vực này ngày càng trở thành thị trường chủ chốt cho mọi mặt hàng, từ ô tô, máy bay đến nước gội đầu và điện thoại di động.
Yếu tố thứ ba là ASEAN có trung tâm tài chính quốc tế lớn đó là Singapore. Sự tự do hóa tài chính ngày càng gia tăng cũng góp phần làm giảm chi phí giao dịch, đồng thời thúc đẩy dòng vốn đầu tư chảy vào ASEAN, qua đó hỗ trợ các nền kinh tế như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Các nước khác như Indonesia và Philippines cũng có thể được lợi nhiều nhất từ sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà ASEAN đang mong mỏi và vốn là điểm yếu trong câu chuyện tăng trưởng nói chung của ASEAN.
Xét từ khía cạnh kinh tế, cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, các nước Đông Nam Á trước mắt đang đối mặt với không ít “con gió ngược”. Tuy nhiên, những điểm mạnh kinh tế của khu vực cùng với tác động tích cực từ sự thành lập AEC hơn bao giờ hết sẽ đưa khu vực này trở thành một địa chỉ chế tạo cũng như tiêu thụ hàng hóa quan trọng.