Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Lào đã phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Eksavang Vongvichith, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào về hội nghị.
Giáo sư Eksavang cho biết ngoại giao nghị viện có vai trò quan trọng không thể thiếu trong công tác đối ngoại nói chung và vấn đề ngoại giao nhân dân nói riêng. Tại AIPA 41, chủ đề chính là làm thế nào để ngoại giao liên nghị viện có vai trò trong việc giúp ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng nhằm đối phó các thách thức, cũng như những vấn đề phát sinh trong khu vực.
Để thực hiện được theo tinh thần nội dung của chủ đề này, trong giai đoạn vừa qua, ngoại giao nghị viện có vai trò rất quan trọng trong công tác đối ngoại nói chung và vấn đề ngoại giao nhân dân nói riêng. Ví dụ, về lĩnh vực chính trị, ngoại giao nghị viện đã góp tiếng nói chung vào việc duy trì ổn định chính trị. Ngoài ra, ngoại giao nghị viện còn góp phần vào các lĩnh vực quan trọng khác như kinh tế, văn hóa, xã hội, vấn đề bình đẳng giới…
Điều đó cho thấy ngoại giao nghị viện, đặc biệt là theo chủ đề của Hội nghị AIPA lần này, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các chính phủ, thúc đẩy, thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược mà lãnh đạo các nước đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 được Việt Nam tổ chức qua hình thức trực tuyến trong thời gian vừa qua.
Đề cập đến các ý tưởng, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPA trong năm 2020 đối với việc đổi mới hoạt động của AIPA, Giáo sư Eksavang nhận định dù tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tổ chức hội nghị, song Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng như các nhóm chuyên viên đã hết sức nỗ lực để triển khai công tác chuẩn bị cho hội nghị. Dịch bệnh là một thách thức không nhỏ trong công tác tổ chức, nhưng việc tổ chức hội nghị dưới hình thức trực tuyến là một sáng kiến rất kịp thời và sáng suốt của Chủ tịch Quốc hội cũng như của Ban Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam.
Giáo sư đánh giá chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của hội nghị lần này là rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu đề ra, các quốc gia nói chung cần có sự phối kết hợp giữa quốc hội và chính phủ. Tuy vai trò, nhiệm vụ của hai cơ quan là khác nhau song lại liên quan chặt chẽ và có sự bổ trợ cho nhau, một bên là thúc đẩy, hỗ trợ mục tiêu và một bên thực hiện, biến mục tiêu thành hiện thực. Quốc hội sau đó cũng chính là cơ quan kiểm tra, giám sát mục tiêu đề ra mà chính phủ đang thực hiện.
Giáo sư Eksavang đánh giá Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao, các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra đều rất kịp thời và phù hợp. Ông chúc mừng Việt Nam và bày tỏ rất hân hạnh khi được góp phần vào thành công của hội nghị trực tuyến lần này.